HỘI THẢO NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VÀ NHIỆT ĐIỆN THAN Ở MIỀN TRUNG VÀ MIỀN NAM VIỆT NAM
Thứ ba, 17/05/2022 12:05Ngày 21/5/2022, Hội thảo về vấn đề năng lượng tái tạo và nhiệt điện than ở miền Trung và miền Nam Việt Nam đã diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự điều phối của tổ chức phi lợi nhuận Mekong Watch. Hội thảo trình bày kết quả nghiên cứu khảo sát thực địa các mô hình năng lượng ở miền Trung và miền Nam Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2022 của ba nhà nghiên cứu GS. Michiko Yoshii, TS. Trần Đình Lâm và PGS.TS Thành Phần.
Mở đầu hội thảo, GS. Michiko đã giới thiệu về chương trình nghiên cứu và các địa điểm khảo sát. Bà cho biết ở Việt Nam, phát triển năng lượng để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng. Sau khi kế hoạch xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận bị hủy bỏ năm 2016, việc mở rộng và phát triển năng lượng tái tạo mặt trời và gió được tiến hành với quy mô tổ chức rất đáng kể. Trong bài báo cáo của mình, GS. Michiko đề cập đến việc phát triển năng lượng điện và tác động của nó đến môi trường sống của người dân địa phương. GS. Michiko mong muốn việc phát triển năng lượng ở địa phương phải theo hướng bền vững, phát triển nhưng vẫn phải giữ gìn môi trường tự nhiên.
Ở phần tiếp theo của hội thảo, TS. Trần Đình Lâm đã trình bày báo cáo về tình hình phát triển bền vững ở tỉnh Ninh Thuận. TS. Lâm đã khái quát tình hình môi trường, các lợi ích khi hủy bỏ dự án điện hạt nhân tại địa phương, đồng thời, đề cập đến những giải pháp và cách thức để địa phương hướng đến phát triển bền vững. Theo TS. Trần Đình Lâm, việc đồng thuận của người dân với các chính sách của địa phương và tận dụng điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế là một trong những yếu tố tiên quyết cần đạt được để hướng đến phát triển bền vững. Hội thảo kết thúc với phần trình bày của PGS.TS. Thành Phần với báo cáo về “Thực trạng và vấn đề phát triển nông thôn của người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận”.
Với những báo cáo được trình bày tại hội thảo thông qua việc khảo sát thực địa về tác động của phát triển năng lượng tái tạo, đánh giá của cư dân địa phương về việc rút lại quy hoạch nhà máy điện hạt nhân, và vấn đề nhiệt điện than ở Nhật Bản, các nhà nghiên cứu mong muốn việc phát triển phải gắn liền với môi trường và đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tại địa phương.