THAM DỰ DIỄN ĐÀN THỊ TRƯỞNG ASEAN 2024: THÚC ĐẨY KẾT NỐI VÀ KHẢ NĂNG PHỤC HỒI VÌ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Thứ sáu, 20/09/2024 15:09Trong hai ngày 18 - 19.9.2024, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào đã trở thành tâm điểm của khu vực khi đón tiếp các nhà lãnh đạo từ các thủ đô và thành phố lớn thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia Diễn đàn Thị trưởng ASEAN (AMF) 2024 và Cuộc họp Thống đốc/Thị trưởng các Thủ đô ASEAN (MGMAC) 2024. Sự kiện này diễn ra dưới sự bảo trợ của Chính phủ Lào – quốc gia đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN và Tổ chức các thành phố và chính quyền địa phương, liên hiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UCLG ASPAC).
Chủ đề của AMF 2024: "Tăng cường Kết nối và Khả năng phục hồi vì Sự phát triển bền vững của các Thành phố ASEAN", không chỉ phản ánh xu hướng phát triển của khu vực mà còn phù hợp với bối cảnh ngày càng phức tạp về chính trị và kinh tế toàn cầu. Đây là cơ hội quan trọng để các thành phố ASEAN tăng cường hợp tác, sự kiện sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi ý kiến, chiến lược phát triển và chia sẻ các bài học thực tiễn giữa các nhà lãnh đạo đô thị.
Các đại biểu tham dự chương trình
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung vào năm chủ đề cốt lõi, bao gồm thành phố bền vững và đáng sống, du lịch xanh, phát triển kinh tế bền vững, thành phố bền vững về môi trường, và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu. Đây là những vấn đề thiết yếu mà các đô thị ASEAN đang phải đối mặt trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và thách thức môi trường ngày càng gia tăng.
PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á được mời làm diễn giả tại phiên thảo luận về “Những phản hồi và cập nhật từ lần đối thoại đầu tiên về hành lang đô thị Mekong” (Reflection and update from 1st dialogue of urban Mekong corridor dialogue) vào chiều ngày 18.9.2024 tại Trung tâm hội nghị quốc gia.
PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân tại phiên thảo luận về “Những phản hồi và cập nhật từ lần đối thoại đầu tiên về hành lang đô thị Mekong” (Reflection and update from 1st dialogue of urban Mekong corridor dialogue)
Chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh: “Vừa rồi cơn bão Yagi đã tác động nặng nề tới các nước Đông Nam Á. Đầu tiên đổ bộ qua Phillipines, rồi tiếp tục càn quét Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Lào, gây ra lũ lụt, lở đất, khiến hàng trăm người thiệt mạng, hư hại nhiều công trình công cộng, hệ thống cây xanh, nhà dân,… Phụ nữ và trẻ em luôn là những đối tượng chịu nhiều tổn thương.
Mặc dù Biến đổi khí hậu là một hiện tượng toàn cầu, tác động tới tất cả các quốc gia và dân tộc. Tuy nhiên, nếu chúng ta có chính sách tốt có thể góp phần giảm sự rủi ro từ môi trường cũng như bảo vệ được cộng đồng cư dân theo các tiêu chí phát triển bền vững của UNESCO.
Thường mọi người hay đề cập đến tác động của biến đổi khí hậu ở nông thôn, điều này đúng nhưng chưa đầy đủ bởi quá trình đô thị hóa dẫn tới di dân từ nông thôn tới thành thị, những áp lực của đô thị về dân số, bê tông hóa, lối sống của nhiều thành phần cư dân chưa theo kịp với văn hóa và văn minh đô thị cũng kéo theo ô nhiễm không khí và nguồn nước, sự tác động tiêu cực đến môi trường. Và điều này lại ảnh hưởng đến trực tiếp đến người dân đô thị, trong đó có phụ nữ.
Theo PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân để tích hợp hiệu quả các yếu tố về giới vào chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị tại Hành lang Mekong cần:
1. Đảm bảo có tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ trong quy hoạch đô thị.
2. Xây dựng năng lực và nhận thức về giới qua việc tổ chức các chương trình đào tạo, Ví như tiêu dùng xanh, thông minh, chăm sóc sức khỏe
3. Đưa ra những Chính sách và thành lập quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển các sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ xanh và sinh kế bền vững”
Các sáng kiến và giải pháp được PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân trình bày tại diễn đàn
Về các sáng kiến thành công có thể nhân rộng trong khu vực Mekong: PGS. Phan Thị Hồng Xuân gợi ý: có thể nâng cuộc thi Đại sứ ESG lên tầm vóc khu vực. Năm 2024, cuộc thi đã chọn được 4 nhóm đại sứ: 1 từ sáng kiến của Lào, 1 của Indonesia và 2 từ các sinh viên Việt Nam. Liên quan đến chủ đề của phiên thảo luận về giới và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể nhân rộng kết quả nghiên cứu của nhóm đại sứ ESG từ Việt Nam: "Enzym từ rác hữu cơ" nhằm chuyển đổi rác thải hữu cơ thành các giải pháp đa mục tiêu. Dự án hướng đến việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp hoặc rác thải như vỏ rau củ, phế phẩm nông nghiệp, hay hàng tồn kho sẽ bị bỏ đi từ siêu thị và cửa hàng. Những nguyên liệu hữu cơ này sẽ được chuyển hóa thành "enzyme từ rác" – một sản phẩm đa năng có thể sử dụng làm dung dịch vệ sinh đồ gia dụng, sàn nhà, đồ nội thất, chất đuổi côn trùng, phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học.
Cùng đi với PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân có hai sinh viên khoa Đô thị học – đang học môn Phát triển cộng đồng đô thị bền vững, chương trình đào tạo thí điểm ngành quản lý đô thị trình độ quốc tế.
PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân và sinh viên Khoa Đô thị học
Sự kiện không chỉ dừng lại ở việc trao đổi lý thuyết mà còn mang lại nhiều kết quả thực tiễn. Các phiên thảo luận đã tạo nền tảng cho việc xây dựng lộ trình thực hiện với các chương trình và dự án cụ thể, hướng tới mục tiêu bền vững lâu dài.
Diễn đàn Thị trưởng ASEAN không chỉ là dịp để các thành phố chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau mà còn mở ra cơ hội hình thành các liên minh, hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN, góp phần vào việc xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, kết nối và phát triển bền vững.
Một số hình ảnh tại diễn đàn: