TRAO ĐỔI HỌC THUẬT VỚI VIỆN GIÁO DỤC THỐNG NHẤT QUỐC GIA - HÀN QUỐC
Thứ sáu, 16/08/2024 15:08Ngày 17.7.2024, TS. Trần Đình Lâm, Giám đốc Chương trình Hợp tác quốc tế đã có buổi trao đổi học thuật với ông Kang Shin Sam, Chủ tịch Viện Giáo dục Thống nhất Quốc gia, Hàn Quốc về quá trình đổi mới kinh tế Việt Nam và gửi đi một thông điệp cho việc đổi mới kinh tế cho người dân Bắc Triều Tiên.
Về lý thuyết, kinh tế Việt Nam trước Đổi Mới năm 1986 theo con đường kế hoạch hóa, xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa với hy vọng sẽ đem lại sự ấm no hạnh phúc cho người dân và tăng năng suất lao động cao, hướng tới thực hiện được công nghiệp hóa sau 15 năm. Niềm tin ước mơ đó được giáo dục và tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân. Ý tưởng đó không thực thi được khi kinh tế Việt Nam bị trì trệ không tăng trưởng, Việt Nam trở nên một trong năm nước nghèo nhất thế giới.
Kinh nghiệm thực tế trong quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia đều đi theo con đường cạnh tranh theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia đóng góp công sức của mình, phát huy yếu tố nội lực, tự do sản xuất kinh doanh cho mọi công dân trong xã hội.
Chính vì những lý do đó Viêt Nam thực hiện chính sách đổi mới, chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa sang thị trường. Việt Nam đã chuyển đổi nền kinh tế bắt đầu từ nông nghiệp, xóa bỏ con đường hợp tác hóa, đất toàn bộ theo sở hữu nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã giao đất cho nông dân sản xuất và tự do bán sản phẩm của mình ra thị trường. Thay vì tất cả sản xuất được phân phối theo chỉ định của nhà nước. Việc tự do phân phối sản phẩm sản xuất, tự do thành lập công ty xuất nhập khẩu đã làm cho hàng hóa lưu thông thuận lợi, các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến được xuất khẩu ra nước ngoài.
Lý do để đưa đến quyết định đó vì kinh tế trì trệ, Việt Nam bị thiếu đói, người dân bất mãn với mô hình kinh tế tập trung, bao cấp. Các doanh nghiệp tư nhân trước đây ở miền Nam quen với mô hình kinh tế cạnh tranh đã gây sức ép lên chính phủ về sự thay đổi. Từ đó chính phủ chấp thuận theo mô hình tự do cạnh tranh, chấp nhận mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Nhờ sự thay đổi đó mà kinh tế Việt Nam đã khởi sắc, Việt Nam đã vươn ra thế giới bên ngoài trên một nền tảng xơ cứng của sự trì trệ bảo thủ, mọi cái chờ đợi vào sự ban phát của cấp trên. Nền kinh tế cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp nỗ lực sáng tạo tìm kiếm thị trường và hăm hở sản xuất. Vì điểm xuất phát thấp nên sự đi lên của nền kinh tế rất đáng khích lệ. Nguồn nhân lực được đào tạo theo cơ chế mới gắn với xu hướng phát triển chung hòa nhập cùng các nước trong khu vực.
Điểm ngoặt gây một dấu ấn mạnh mẽ là từ một nước nhập khẩu gạo lên đến 500.000 tấn lương thực một năm đã chuyển thành nước xuất khẩu 1 triệu tấn lương thực vào năm 1989. Từ năm 1990 đến nay Việt Nam luôn luôn là nước xuất khẩu đứng thứ hai, thứ ba trên thế giới. Năm 1987, Việt Nam công bố Luật Đầu tư nước ngoài, cho phép người nước ngoài đến đầu tư ở Việt Nam.
Việt Nam đã ban hành Nghị định 10, quyết định trả đất đai lại cho nông dân sản xuất. Siêu lạm phát của đất nước lên đến 774% năm 1986 sau đó kéo xuống 67%.
Cuộc sống người dân từ từ khởi sắc thoát khỏi đói nghèo, người dân được tự do đi lại, sản xuất mua bán kinh doanh, tự do du học nước ngoài. Sự phát triển đa dạng, phong phú trong xã hội đã kích thích người dân hăng say trong học tập lao động sản xuất kinh doanh làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Đem lại hạnh phúc thật sự cho con người Việt Nam cả vật chất lẫn tinh thần.
Sau gần 40 năm thực hiện, công cuộc đổi mới ở Việt Nam là một bài học cho Bắc Triều Tiên về sự thay đổi cho kinh tế. Tất cả đều xuất phát từ yếu tố nội lực, nỗ lực vươn lên từ mọi người dân mong muốn cho kinh tế đất nước đi lên. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thi thố tài năng của mình đóng góp cho sự phát triển kinh tế. Cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc, giúp cho các doanh nghiệp học hỏi kinh nghiệm quản lý, sản xuất và cách thức tìm kiếm thị trường. Làm được điều đó kinh tế của Bắc Triều Tiên sẽ ngày càng vững mạnh và có tiếng nói quan trọng trên thế giới trên cơ sở nền kinh tế lớn mạnh của đất nước mình.

Bài mới hơn
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO (02/12/1975 - 02/12/2024)TỔ CHỨC CUỘC THI VIẾT Ý TƯỞNG: MÔ HÌNH DU LỊCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO DU KHÁCH VIỆT NAM VÀ QUỐC TẾ BẰNG THẢO DƯỢC VÀ Y HỌC CỔ TRUYỀN PHƯƠNG ĐÔNGTHAM DỰ TUẦN LỄ HOẠT ĐỘNG TRAO ĐỔI HỌC THUẬT VÀ VĂN HÓA HÁN – VIỆTBUỔI LÀM VIỆC VÀ TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VỚI ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH QUẢNG TRỊ VỀ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN VÀ KIỀU BÀOĐÓN TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SURABAYA – INDONESIALÀM VIỆC VỚI HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP ẤN ĐỘ TẠI TP.HCMTHAM DỰ LỄ KỶ NIỆM 57 NĂM THÀNH LẬP ASEAN