THAM DỰ LỄ RA MẮT BỘ SÁCH: NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG CHAMPA
Thứ tư, 08/01/2025 09:01Sáng 4.1, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup) tổ chức Lễ ra mắt bộ sách "Nghề thủ công truyền thống Champa" do PGS.TS Trương Văn Món thực hiện.
Tham dự buổi lễ, về phía đại diện các trung tâm có TS. Bá Trung Phụ, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Văn hoá dân tộc thiểu số - Hội Dân tộc học/Nhân học TP.HCM; PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á; cùng các giáo sư, nghệ nhân và nhà nghiên cứu khác. Về phía Nhà trường, có sự tham dự của TS. Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS.NGND Ngô Văn Lệ, Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường; cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban, khoa, các học viên, sinh viên cùng những người quan tâm.
Buổi lễ diễn ra tại phòng D.201 - D.202, cơ sở Đinh Tiên Hoàng
Bộ sách gồm 3 tập, cung cấp cái nhìn toàn diện và hệ thống về các nghề thủ công truyền thống Champa như làm gốm, nghệ thuật dệt và đan lát. Đây là thành quả của giai đoạn 2 thuộc dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản và lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử của người Chăm Việt Nam” do PGS.TS Trương Văn Món làm chủ nhiệm.
Bản thảo của bộ sách đã được nghiên cứu từ năm 1998
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Phan Thanh Định đề cao những công trình khoa học có thể áp dụng vào thực tiễn, phục vụ cộng đồng và khẳng định bộ sách đã mang lại những giá trị thiết thực, “Những nỗ lực và tình yêu dành cho văn hóa Champa của PGS.TS Trương Văn Món là tấm gương tiêu biểu cho cộng đồng người Chăm và cộng đồng nói chung trong vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc”.
TS. Phan Thanh Định gửi lời chúc mừng sự ra mắt của bộ sách tại buổi tọa đàm - Ảnh: TIẾN ANH
PGS.TS Trương Văn Món chia sẻ tại buổi ra mắt: “Bộ sách là quá trình nghiên cứu lâu dài, nhiều nỗ lực của tôi trong suốt 30 năm. Tôi đã hoàn thành dự án này với niềm tự hào và tình cảm mãnh liệt dành cho dân tộc Chăm. Mong rằng với bộ sách này, các độc giả có thể tiếp cận hơn với văn hóa Champa, đặc biệt là các ngành nghề thủ công truyền thống của người Chăm”.
PGS.TS Trương Văn Món giới thiệu và phân tích những đặc trưng trong văn hóa Champa
Bộ sách cung cấp tri thức hàn lâm về các nghề thủ công truyền thống của người Champa, bao gồm làm gốm, nghệ thuật dệt, hoa văn, màu sắc, trang phục người Chăm, nghề đan lát mây tre, chế tạo công cụ săn bắt, sản xuất, phương tiện vận chuyển và nhạc cụ. Không chỉ thể hiện sự tương đồng giữa văn hóa Champa và nền văn hóa Đông Nam Á, bộ sách còn nhấn mạnh những đặc trưng để nhận diện nền văn hóa Champa. Tiêu biểu trong đó là họa tiết lấy cảm hứng từ Phật giáo trên trang phục hay xe trâu Chăm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, sách giới thiệu chi tiết các phương thức thực hành những nghề thủ công truyền thống trong đời sống hiện tại. Đây là công trình học thuật có đóng góp to lớn vào kho tư liệu văn hóa Chăm, đồng thời thể hiện tình yêu và mong muốn bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống Champa của tác giả bộ sách.
Các chuyên gia đánh giá cao giá trị của bộ sách
Về giá trị học thuật và văn hóa của bộ sách, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân khẳng định: “Bộ sách kết nối quá khứ và hiện tại, khiến ta càng thêm trân quý những nghề truyền thống của văn hoá Champa. Hy vọng những độc giả của bộ sách sẽ tìm thấy sự kết nối văn hoá cho nghề nghiệp của mình, áp dụng tri thức lý luận vào thực tiễn để phục vụ tiến bộ xã hội”. Còn đối với PGS.TS Phan An (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), bộ sách là sự đóng góp lớn lao trong quá trình phổ biến và phát triển hơn những công trình học thuật nghiên cứu về văn hóa Chăm.
Bộ sách là nguồn tư liệu mang tính học thuật cao cho những người yêu mến và muốn nghiên cứu sâu về văn hóa và các làng nghề truyền thống của dân tộc Chăm, góp phần giới thiệu và lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa Champa sâu rộng.
Tin bài và nguồn ảnh dẫn theo: https://hcmussh.edu.vn/tin-tuc/le-ra-mat-sach-nghe-thu-cong-truyen-thong-Champa