ĐẠI DIỆN CHI HỘI NỮ TRÍ THỨC TRƯỜNG THAM GIA HỘI NGHỊ MẠNG LƯỚI CÁC NHÀ KHOA HỌC VÀ KỸ SƯ NỮ KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG 2024: VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Thứ hai, 07/10/2024 11:10Trong hai ngày 04 và 05 tháng 10 năm 2024, tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Hà Nội, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (INWES-APNN 2024) đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu quốc tế và hội viên nữ trí thức, những nhà khoa học, báo cáo viên đến từ 8 Hội thành viên, 35 Chi hội trực thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt khi Hà Nội đang kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Chủ đề chính của hội nghị là “Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững,” đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đồng thời khuyến khích sự hợp tác quốc tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bà Sarah Matilde Catherine Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES) và bà Juana Torrano Tapel, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (INWES APNN) tham dự Hội nghị và phát biểu tại buổi khai mạc.
Đoàn đại biểu Hội Nữ Trí thức TP.HCM tham dự hội nghị gồm 15 thành viên. Đại diện Chi hội tham gia cùng Đoàn TPHCM gồm 03 thành viên: TS. Lê Thị Ngọc Điệp – Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Chi hội phó Chi hội Nữ Trí thức Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM; ThS. Phạm Thị Thùy Trang – Phó Trưởng Khoa Xã hội học, Chi hội phó; và PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân – Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Hội viên.
Đại diện Chi hội đã tích cực tham gia các phiên thảo luận, trình bày các ý kiến đóng góp quan trọng trong việc kết nối mạng lưới giữa các quốc gia. Tại hội nghị, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân đã đề xuất tăng cường sự kết nối giữa các nhà khoa học nữ trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của tiếng nói và sự tham gia của lãnh đạo nam giới trong các kỳ hội nghị tiếp theo. Ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều đại biểu, khi vai trò của cả hai giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển khoa học công nghệ được công nhận thực sự có ý nghĩa quan trọng.
Trong suốt hai ngày diễn ra, các phiên thảo luận đã tập trung thảo luận vào nhiều vấn đề then chốt như khoảng cách giới trong STEM, sức khỏe và môi trường, cùng các câu chuyện truyền cảm hứng về vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực này. Đặc biệt, các chuyên đề về giới và STEM đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía các đại biểu, khi những rào cản vô hình và thành kiến giới tiếp tục là thách thức đối với sự nghiệp của phụ nữ trong khoa học và công nghệ.
Bên lề hội nghị, các đại biểu cũng đã tham gia Triển lãm tranh và sản phẩm nghiên cứu khoa học của các nữ trí thức, tham quan Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc góp phần làm phong phú thêm nội dung và tăng cường cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học nữ trong khu vực. Hội nghị đã khép lại thành công với các cam kết hợp tác và chia sẻ mạnh mẽ giữa các quốc gia, đồng thời mở ra những hướng đi mới cho sự phát triển bền vững thông qua khoa học và công nghệ.
Chuyến đi không chỉ là dịp để đoàn đại diện Chi hội Nữ Trí thức Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM tham gia các phiên thảo luận khoa học, mà còn là cơ hội để mỗi thành viên học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Đặc biệt, thông qua các cuộc trao đổi và kết nối, đoàn đại biểu đã có cơ hội tiếp cận những dự án tiên tiến, những câu chuyện thành công trong lĩnh vực STEM từ các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những trải nghiệm và kiến thức thu nhận được từ chuyến đi không chỉ góp phần nâng cao năng lực cá nhân mà còn thúc đẩy sự hợp tác, kết nối giữa các nhà khoa học nữ trong và ngoài nước, gợi mở ra nhiều ý tưởng hoạt động cho Chi hội trong thời gian tới.