SEMINAR: BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Thư năm, 13/09/2018 12:09Sáng ngày 10/9, Seminar: "Biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo”, trong khuôn khổ Dự án REACT (*), đã diễn ra tại Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM).
Buổi Seminar có sự tham gia chia sẻ của GS. Michiko Yoshii (Trường Đại học Okinawa), GS. Megumi Sakamoto (Trường Đại học Fukushima) và GS. Chung Hoàng Chương (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV).
GS. Megumi chia sẻ về những hợp tác về năng lượng sạch giữa Nhật Bản và Việt Nam trong những năm gần đây. Chẳng hạn, phía Nhật Bản đã hỗ trợ vốn cho Trường THCS Tân Nhựt (TP.HCM) để lắp đặt hệ thống pin mặt trời, cung cấp khoảng 25% lượng điện.
GS. Megumi Sakamoto, Trường Đại học Fukushima
GS. Chung Hoàng Chương, với nhiều năm nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là sự phát triển ồ ạt của các đập thủy điện đã đề xuất một số phương pháp giải quyết tình trạng này. Nổi bật nhất là phương pháp liên ngành, nâng cao vai trò và sự hợp tác giữa các quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước của sông Mekong. Trong đó, Giáo sư nêu ra việc phát triển một quy tắc ứng xử chung cho tất cả các lưu vực. Ngoài ra, Giáo sư còn nhấn mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời để hạn chế việc xây dựng nhà máy thủy điện.
Đây là mô hình được GS. Michiko giới thiệu trong chương trình và gây ấn tượng với khán giả với câu nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do…về điện đóm”. “Độc lập” theo ý cô là không còn phụ thuộc vào nguồn điện của nhà nước. Mô hình “Nhà không dây điện” là gia đình sẽ tự lắp đặt các tấm pin mặt trời để sản xuất nguồn điện, mà không cần phải mua điện của nhà nước. Mô hình được phát triển rộng rãi sau khi Nhật Bản gặp phải thảm họa kép, động đất-sóng thần năm 2011, khiến Nhà máy điện hạt nhân Fukushima phát nổ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống người dân.
GS. Michiko Yoshii, Trường Đại học Okinawa
Giáo sư chia sẻ thảm họa Fukishima là một cuộc cách mạng triết lý để người dân Nhật Bản thay đổi cách sống khi đặt ra câu hỏi “Có cái gì đằng sau ổ điện?”. Từ đó, nhiều gia đình bắt đầu lựa chọn mô hình “nhà không dây điện”, trong đó có gia đình GS. Michiko. Với chi phí lắp đặt ban đầu khoảng 30.000 USD, các tấm pin mặt trời có thể cung cấp điện với công suất 5kWh/ngày cho việc sử dụng tủ lạnh, máy giặt, TV, máy quạt, đèn,… Tuy nhiên, lượng điện này còn khá hạn chế nên đòi hỏi gia đình phải sử dụng điện tiết kiệm nhiều hơn, đồng thời không thể sử dụng một vài thiết bị khác như máy lạnh, microwave,…
Cuộc cách mạng triết lý để người Nhật suy nghĩ lại về lối sống
Ngoài giới thiệu mô hình ở Nhật Bản, Giáo sư còn cung cấp thêm thông tin về mô hình này ở Việt Nam. Chẳng hạn, Trung tâm Thương mại AEON (TP.HCM) lắp đặt 1424 tấm pin mặt trời với công suất 340 kWh.
Tuy nhiên, Giáo sư vẫn nhấn mạnh rằng việc áp dụng mô hình này chỉ đóng góp một phần vào việc giảm thiểu công suất của các nhà máy điện. Ý thức tiết kiệm điện của người dân mới là yếu tố quan trọng nhất giúp thay đổi ngành điện nói riêng và cuộc sống nói chung.
Khi nhắc đến mô hình này ở Việt Nam, anh Nguyễn Văn Cường - Phó Trưởng phòng dự án thuộc Công ty CP Phong điện Thuận Bình chia sẻ một số tỉnh miền Trung, đặc biệt là Ninh Thuận, đã trở thành trung tâm năng lượng tái tạo ở Việt Nam với sự đầu tư phát triển của nhà máy phong điện. Ngoài ra, năng lượng tái tạo đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, minh chứng ở Phan Thiết đã có gần 100 công ty lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời.

TS. Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á tổng kết buổi Seminar
Tham dự buổi Seminar có:
- TS. Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á
- TS. Nguyễn Thị Hồng Xoan, Trưởng khoa Xã hội học
- TS. Trương Thị Thu Hằng, Phó Trưởng khoa Nhân học
- TS. Trịnh Thu Hương, Phó Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế
- ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Quyền trưởng Bộ môn Địa lý Môi trường, khoa Địa lý
- Đại diện các doanh nghiệp và học viên cao học của Nhà trường
(*) Dự án "Nâng cao Năng lực Nghiên cứu Khoa học về Biến đổi Khí hậu" (strengthening climate change REsearch And innovation CapaciTies in Cambodia, Laos and Vietnam), viết tắt là REACT, được điều phối bởi Trường Đại học Alicante(Tây Ban Nha), kéo dài trong 3 năm (2017 - 2019) và được tài trợ bởi Quỹ Erasmus+ của Liên minh châu Âu. Dự án có sự tham gia của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á. Đọc thêm về dự án tại đây.

Bài mới hơn
DỰ ÁN HEIP-linkTHƯ MỜI ĐÓNG GÓP NỘI DUNG DIỄN ĐÀN PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG - DỰ ÁN TOURISTBÁO CÁO DỰ ÁN TOURIST TẠI ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘTHỘI NGHỊ TỔNG KẾT DỰ ÁN V2WORK VÀ PHIÊN HỌP THƯỜNG NIÊN MẠNG LƯỚI VEES-NET LẦN THỨ NHẤTTÌM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ''DU LỊCH BỀN VỮNG'' CHO NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM VÀ THÁI LANSINH VIÊN KHOA DU LỊCH THỰC TẬP VÀ QUẢNG BÁ DỰ ÁN TOURIST TẠI HÀ NỘICHUYẾN TRAO ĐỔI SINH VIÊN TRONG NƯỚC CỦA DỰ ÁN TOURISTSINH VIÊN KHOA DU LỊCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG THAM GIA BUỔI GIỚI THIỆU VỀ DỰ ÁN TOURISTMỜI THAM DỰ BUỔI GIỚI THIỆU VỀ DỰ ÁN TOURIST CỦA TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM ÁKẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG DỰ ÁN V2WORK