TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á THAM DỰ CHUỖI SỰ KIỆN QUAN TRỌNG VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Thư năm, 27/03/2025 15:03Ngày 27.3, tại Khách sạn Nikko Sài Gòn, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á đã cử đại diện tham dự hai sự kiện quan trọng do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) và Chính phủ Australia tổ chức, nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trong phiên sáng – Lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2024, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân – Giám đốc Trung tâm – đã tham dự với tư cách khách mời từ đơn vị trường, viện. Sự hiện diện của bà thể hiện cam kết đồng hành của Trung tâm trong các hoạt động nghiên cứu, kết nối và phát triển khu vực ĐBSCL từ góc nhìn học thuật và hợp tác quốc tế. Báo cáo với chủ đề trọng tâm "Huy động đầu tư cho phát triển bền vững", cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng kinh tế vĩ mô và những cơ hội, thách thức trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Báo cáo cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng kinh tế vĩ mô và những cơ hội, thách thức trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư, nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững cho ĐBSCL. Đồng thời, Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng thiếu hụt đầu tư đã trở thành một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến “vòng xoáy đi xuống” của nền kinh tế ĐBSCL trong nhiều năm qua. Tuy là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực, đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, nhưng ĐBSCL lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp. Cụ thể, tính theo bình quân đầu người, so sánh trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, ĐBSCL đứng thứ 3 về vốn ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về FDI, và thứ 6 về đầu tư tư nhân trong nước. Hệ quả là cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu.
PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm và BS. Trần Triêu Ngõa Huyến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khoẻ cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam)
Báo cáo cũng chỉ ra “bốn nhóm” rào cản chính đang kìm hãm dòng vốn đầu tư vào ĐBSCL gồm: Hạ tầng giao thông và logistics yếu kém; thiếu hụt lao động có tay nghề; rủi ro từ biến đổi khí hậu và Môi trường kinh doanh chưa đủ thuận lợi. Qua đó, Báo cáo đề xuất bốn nhóm giải pháp then chốt nhằm tháo gỡ nút thắt đầu tư và thúc đẩy phát triển bền vững cho ĐBSCL, trong đó các chính sách cần tập trung vào (i) xác định chính xác ưu tiên đầu tư, (ii) nâng cao hiệu quả đầu tư; và (iii) mở rộng nguồn lực tài chính từ cả khu vực công và tư nhân, trong đó đầu tư công hiệu lực và hiệu quả là điều kiện then chốt để thu hút đầu tư tư nhân vào ĐBSCL. Cụ thể:
- Đưa chuyển đổi số thành trọng tâm của chiến lược đầu tư và phát triển: Ưu tiên đầu tư CSHT viễn thông và internet tốc độ cao làm tiền đề cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Điều này giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất của cả khu vực công và tư trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư eo hẹp, đồng thời tăng sức hấp dẫn của ĐBSCL đối với các nhà đầu tư thâm dụng công nghệ.
- Tái cơ cấu phân bổ đầu tư công theo hướng ưu tiên hạ tầng giao thông và viễn thông, logistics và chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm như cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và hệ thống logistics nông sản.
- Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân và FDI: Cải thiện thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình cấp phép và cải thiện khả năng tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu, và năng lượng tái tạo.
- Phát triển mô hình hợp tác công – tư (PPP): Huy động vốn tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là giao thông và logistics. Đồng thời, xây dựng mô hình nông thôn sinh thái và đô thị xanh để nâng cao chất lượng sống, thu hút nhân tài về ĐBSCL.
Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cứu Long 2024
Trong phiên chiều – Diễn đàn chính sách “Thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững ĐBSCL”, ThS. Phan Hiếu Nghĩa, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, đồng thời là cộng tác viên của Trung tâm, đã tham dự và kết nối cùng các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước. Việc cử đại diện tham dự hai sự kiện trọng điểm cùng ngày cho thấy vai trò tích cực của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á trong mạng lưới thúc đẩy phát triển bền vững khu vực, đẩy mạnh giao lưu học thuật, hợp tác quốc tế và tham gia tư vấn chính sách liên vùng.

Bài mới hơn
PGS.TS PHAN THỊ HỒNG XUÂN TIẾP ÔNG SHANMUGA RETNAM – CHUYÊN GIA QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TẠI ĐÔNG NAM ÁTHAM DỰ LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN NGHỆ THUẬT LÂN, SƯ, RỒNG CỦA NGƯỜI HOA TẠI TP.HCM LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA