DIỄN ĐÀN HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ GIÁO DỤC NGHỀ GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
Thư năm, 10/07/2025 15:07Sáng ngày 10.7, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM), PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – ASEAN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á – đã tham dự Diễn đàn Hợp tác quốc tế về giáo dục nghề giữa Trung Quốc và Việt Nam, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng đối tác Trung Quốc tổ chức.
Diễn đàn nhằm thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục nghề nghiệp, với mô hình tích hợp “Tiếng Trung + Kỹ năng nghề”, được giới thiệu thông qua sáng kiến “KungFu Workshop” của Học viện Kỹ thuật nghề Phật Sơn. Mô hình này không chỉ đào tạo kỹ năng mà còn đề cao giá trị đạo đức nghề nghiệp và tinh thần học tập bền bỉ, được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia như Malaysia, Indonesia, Hungary, Đức và Việt Nam.

PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân (giữa) chụp ảnh cùng ông Nguyễn Hữu Nam (Phó CT VCCI), ông Từ Châu (Phó TLS Trung Quốc tại TPHCM), TS. Phạm Văn Luân (Trường ĐH Văn Hoá) và ThS. Phan Hiếu Nghĩa - Tổng thư ký VAFA
Trong giờ giải lao, khi trao đổi cùng ông Từ Châu – Phó Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM và ông Nguyễn Hữu Nam - phó Chủ tịch VCCI Tp.HCM, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân chia sẻ rằng: “Tôi rất ấn tượng với cách Học viện Kỹ thuật Phật Sơn phát triển mô hình ‘KungFu Workshop’ không chỉ như một chương trình đào tạo kỹ thuật, mà còn như một thông điệp văn hóa. Việc lồng ghép giá trị ‘võ đức’, tinh thần bền bỉ, kiên trì và tôn trọng truyền thống vào trong đào tạo nghề là điều mà các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, rất trân trọng. Tôi tin rằng đây là một mô hình có thể mở rộng hợp tác tại nhiều trường đại học, cao đẳng của Việt Nam – đặc biệt nếu được gắn với các chương trình trao đổi văn hóa, ngôn ngữ và khởi nghiệp thanh niên.”
Ông Từ Châu bày tỏ sự đồng tình và hy vọng rằng các tổ chức như Hội Hữu nghị Việt Nam – ASEAN và các viện nghiên cứu tại TP.HCM sẽ tiếp tục làm cầu nối cho các chương trình hợp tác nhân văn, góp phần đưa sáng kiến giáo dục nghề Trung – Việt phát triển bền vững và hài hòa với nhu cầu khu vực.
Sự kiện cũng chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Học viện Kỹ thuật Phật Sơn và Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM, khẳng định bước tiến quan trọng trong hợp tác đào tạo nghề giữa hai quốc gia.
Thông qua hoạt động này, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á và Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn tiếp tục khẳng định vai trò cầu nối học thuật – chính sách – doanh nghiệp trong các sáng kiến hợp tác quốc tế tại khu vực.
