THAM DỰ BUỔI HỘI THẢO KẾT NỐI THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ VIỆT NAM – SINGAPORE
Thứ hai, 14/10/2024 10:10Ngày 01.10.2024, TS. Trần Đình Lâm - Giám đốc Chương trình Hợp tác quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á tham dự buổi hội thảo “Kết nối thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt nam – Singapore”.
Hội thảo có sự tham dự của Ông Vũ Viết Ngoạn - Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Xinh-Ga-Po (VSFA); Ông Pang Te Cheng - Tổng lãnh sự Singapore tại TP. Hồ Chí Minh; Đại sứ Nguyễn Đức Hùng - Cố vấn cao cấp Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore và Trợ lý Bộ Trưởng Ngoại giao và gần 100 doanh nghiệp Việt Nam - Singapore.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Trong báo cáo chính của hội thảo, TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Thành viên thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã trình bày tổng quát Kinh tế Việt Nam: Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 2024 và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm 2024 đồng thời nêu lên triển vọng 3 tháng cuối năm 2024. TS. Trương Văn Phước nêu bật vai trò đầu tư lớn tại Viêt Nam của Singapore với số vốn cam kết lên đến 75 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2024 Singapore dẫn đầu với số vốn đầu tư lên đến 6,79 tỷ USD, chiếm 33,1% tổng số FDI, đánh dấu mức tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trả lời câu hỏi về việc TPHCM sẽ trở thành trung tâm tài chính trong tương lai, theo ông cần tuân thủ theo luật lệ của quốc tế bao gồm tự do hóa tài khoản vốn, tự do hóa lãi suất, khả năng chuyển đổi tiền tệ trong nước, phát triển các sản phẩm phái sinh và áp dụng tỷ giá hối đoái thả nổi. Thành tích kinh tế Việt nam sẽ vững vàng hơn khi tạo ra một môi trường tài chính lành mạnh cùng đẳng cấp các nước trong khu vực, Việt Nam sẽ thích ứng được trước sự tác động của kinh tế thế giới. Ông cũng đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2025 ít nhất là 7% và lạm phát chừng 4%.
TS. Trương Văn Phước, Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia,
Thành viên thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Tại hội thảo, Ông Phan Mạnh Hà đã báo cáo đề tài: Thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số Việt Nam – Singapore: Trường hợp Shopee. Tham luận nêu lên sự nỗ lực gắn kết giữa công ty và các doanh nghiệp Việt nam trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại Viêt Nam và trên thế giới.
Ông Phan Mạnh Hà trình bày tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo ông Pang Te Chang mong muốn mối quan hệ hữu nghị giữa Viêt Nam và Singapore sẽ được nâng lên tầm cao mới là đối tác chiến lược toàn diện trong năm tới, đảm bảo những sáng kiến hợp tác cụ thể trong từng trụ cột của quan hệ đối tác. Phần thảo luận trực tiếp tại hội thảo có sự tham gia của Ông Nguyễn Hữu Trung - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Vietbank, TS. Trương Văn Phước, GS.TS. Trần Ngọc Thơ, TS. Trần Đình Lâm, TS. Trần Du Lịch và Ông Wesley Chua. GS.TS. Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đề cập đến tầm quan trọng của nguồn cung lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ tài chính là yêu tố then chốt cho sự thành công của các trung tâm tài chính tại Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác với Singapore trong giáo dục đào tạo.
Ông Pang Te Chang - Tổng Lãnh sự Singapore tại TPHCM
Ông Nguyễn Hữu Trung đã nêu lên chủ đề quan trọng cần thảo luận về mô hình phát triển xanh và kỹ thuật số cho Việt nam trong tương lai. Ông cho đây là bài học thiết thực cho Việt nam trong quá trình phát triển và hội nhập. TS. Trần Đình Lâm đã chia sẻ suy nghĩ của mình trong cuốn sách hồi ký của Lý Quang Diệu: từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, kinh nghiệm từ phát triển xanh của Singapore đòi hỏi cần có một tư duy đồng bộ, quyết tâm cho sự thay đổi Singapore xanh và sạch. Ông Lý Quang Diệu đã kích thích lòng tự hào dân tộc. Chất lượng của màu xanh thật sự phủ đều trên mọi nẽo đường, không phân biệt giai cấp. Ông chủ trương dạy cách trồng cây cho trẻ em trong trường. Sự đồng bộ của chính phủ với các quan chức và mọi người dân đã tạo nên một nét quyến rũ bởi màu xanh của Singapore.
Singapore là một tấm gương cho các lãnh đạo ASEAN học hỏi thi đua làm xanh các thành phố của họ. Tạo nên một cuộc thi đua tích cực. Và cuối cùng Singapore trở thành xanh và sạch nhất châu Á. Bài học của Singapore là yếu tố nội lực, lan tỏa niềm tin của chính phủ trong sự phát triển đến mọi người dân. Trả lời câu hỏi của đại biểu cần làm gì để đưa hàng hóa nông sản Việt Nam ra bên ngoài, hội thảo đã khẳng định yếu tố nguồn nhân lực của đất nước vẫn là cốt lõi cho sự phát triển, hướng đến sự bền vững cho Việt Nam sau này. Phát huy tiềm năng của nội lực đất nước là điều kiện căn bản sống còn để đưa đất nước tiến lên con đường công nghiệp hóa. Vai trò của các doanh nhân càng nổi bật trong việc quảng bá thương hiệu, uy tín chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Từng bước nâng cao giá trị hàng hóa kết tinh trong từng sản phẩm. Giảm thiểu tối đa xuất khẩu sản phẩm thô như gạo mà thay vào đó các doanh nghiệp cần hợp lực nghiên cứu chế biến thêm nhiều sản phẩm tinh đáp ứng nhu cầu thị trường. Để làm được điều này cần có sự hợp lực từ nhiều phía như bài học của Ông Lý Quang Diệu đã làm cho Singapore. Việt Nam cần dốc tâm chung sức xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, thay đổi tư duy cùng hướng ra bên ngoài, cạnh tranh lành mạnh để sản xuất các sản phẩm đáp ứng thị trường quốc tế. Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp đi theo tiếng gọi của thị trường, hợp tác cùng nhau ra biển lớn.
Ông Vũ Viết Ngoạn phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tai hội thảo ông Vũ Viết Ngoạn mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước Singapore mở rộng thêm không gian, tạo thêm nhiều cơ hội liên kết, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, kiến tạo mô hình mẫu về chuỗi cung ứng, logistics, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ông khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng cơ hội mới trong giai đoạn lịch sử mới, phát huy sức lực của mình thúc đẩy sứ mệnh gắn kết lâu dài cho tình hữu nghị Việt Nam và Singapore.