TỌA ĐÀM NGOẠI GIAO VĂN HÓA - TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NGOẠI GIAO VĂN HÓA, THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN ĐỐI NGOẠI GÓP PHẦN QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH, NÂNG CAO VỊ THẾ TP.HCM
Thứ bảy, 07/12/2024 10:12Trong hai ngày 4 và 5.12, Sở Ngoại vụ TPHCM tổ chức tọa đàm “Triển khai công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của TPHCM”. Tọa đàm tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của các cơ quan trung ương; cơ quan ngoại giao; lãnh đạo các sở, ngành và chuyên gia, doanh nghiệp. PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á được mời tham dự với vai trò Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á TP.HCM, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM.
Trong sáng ngày 5.12, Ông Phạm Dứt Điểm - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM điều hành hội nghị trình bày tổng quan về tình hình thực hiện công tác ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyền đối ngoại của Thành phố giai đoạn 2020 - 2025. Ông cho biết giai đoạn 2020 - 2025 là giai đoạn cả tình hình thế giới, khu vực và trong nước đều trải qua nhiều biến động, nhiều thách thức từ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Cạnh tranh, xung đột, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... cùng sự xuất hiện của những chủ nghĩa mới, xu thế mới, công cụ mới thay đổi cách thức vận hành của đời sống xã hội nhanh và toàn diện.
Bối cảnh đó đặt ra nhiều thách thức cho công tác đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyền đối ngoại nói riêng, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy, sáng tạo trong nội dung, đổi mới trong cách thức thực hiện để bắt kịp với xu thế của thời đại, tiếp cận và thu hút được với đông đảo đối tượng để phát huy cao nhất hiệu quả tuyên truyền, quảng bá trong tình hình mới. Tháng 7/2022, TPHCM đã ban hành “Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn TPHCM” và giai đoạn 2025 - 2030 được cho là giai đoạn “về đích” của nhiều chiến lược, đề án, mục tiêu quan trọng của đất nước và của Thành phố, theo đó đòi hỏi sự quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ngành”.
Chia sẻ về giải pháp tăng cường công tác ngoại giao văn hoá cấp địa phương và những đề xuất cho TPHCM, ông Đào Quyền Trưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNSECO, Bộ Ngoại giao cho rằng: TPHCM được công nhận là Thành phố học tập toàn cầu - một danh hiệu không chỉ khẳng định sự phát triển bền vững về giáo dục mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế. Việc đẩy mạnh tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về giáo dục, học tập suốt đời sẽ giúp TPHCM trở thành điểm đến về tri thức và sáng tạo.
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cũng đã có những phát biểu tâm huyết đóng ý cho bản báo cáo 2020 - 2025, nhấn mạnh đến cột mốc năm 2025 có sự kiện kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, cần có ngân hàng quà tặng văn hoá trên cơ sở định vị bản sắc văn hoá đặc trưng TP. HCM; tăng cường công tác tuyên truyền trên các ngôn ngữ quốc tế, cụ thể là các nước đã ký quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và các nước ASEAN.