THAM QUAN VÀ HỌC TẬP TẠI THÁNH ĐƯỜNG MASJID AL RAHIM
Thư năm, 14/11/2024 14:11Ngày 13.11, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á phối hợp với Bộ môn Kinh tế - xã hội, văn hóa đô thị, Khoa Đô thị học đã tổ chức cho sinh viên ngành Đô thị học đến tham quan và học tập tại Thánh đường Hồi giáo Masjid Al Rahim. Đây là hoạt động nằm trong chương trình học tập và nghiên cứu thực địa của sinh viên nhằm tìm hiểu về không gian văn hóa - tín ngưỡng có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM.
Tham dự chương trình có PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm, ThS. Phan Hiếu Nghĩa và các chuyên viên trung tâm và 42 sinh viên khoa Đô Thị học. Đón tiếp đoàn tham quan nghiên cứu có Đại diện Ban Dân tộc - Tôn Giáo, UBMTTQ phường Nguyễn Thái Bình, ông Giang Hào Vũ - Phó Ban Quản trị cùng đại diện các tín đồ sinh hoạt tại Thánh đường.
Chuyến kiến tập nhằm giúp sinh viên được tiếp cận thực tế, trải nghiệm phương pháp học tập chủ động qua việc đặt câu hỏi và nhận phản hồi từ cộng đồng sinh hoạt tín ngưỡng tại thánh đường. Qua đó, các bạn sinh viên có thể củng cố lại kiến thức đã học trong lớp, trau dồi thêm kỹ năng và kiến thức liên quan đến môn học Nhân học đô thị ứng dụng. Đây cũng là cơ hội để sinh viên hiểu thêm về những không gian văn hóa độc đáo trong lòng thành phố.
Tại thánh đường Masjid Al Rahim, các sinh viên đã được giới thiệu về nguồn gốc và lịch sử hình thành của thánh đường, một địa điểm tôn giáo quan trọng của cộng đồng Hồi giáo tại TP.HCM. Ngoài ra, sinh viên còn được giải đáp nhiều thắc mắc về phong cách sống, sinh hoạt, đức tin và các nghi lễ trong đạo Hồi. Những câu hỏi xoay quanh các khía cạnh tôn giáo, văn hóa như ẩm thực, kiến trúc, và hôn nhân gia đình cũng được ban quản trị thánh đường trả lời cụ thể và sinh động, giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc hơn về đời sống văn hóa và tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo.
Chuyến kiến tập tại thánh đường Masjid Al Rahim là cơ hội học tập và trải nghiệm thực tiễn quý báu mà Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á kết hợp cùng Khoa Đô thị học đã mang đến cho sinh viên. Chuyến đi không chỉ giúp sinh viên Khoa Đô thị học nói riêng mà cả sinh viên thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung hiểu rõ hơn về vai trò của văn hóa tín ngưỡng trong cấu trúc xã hội đô thị.
Qua chuyến kiến tập, sinh viên đã nhận thức rõ hơn về vai trò của các không gian tôn giáo - tín ngưỡng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa đa dạng trong đô thị. Đồng thời, họ cũng hiểu sâu sắc hơn về tầm quan trọng của sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau trong xã hội hiện đại. Điều này không chỉ là nền tảng để họ ứng dụng trong công việc chuyên môn của mình mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng đô thị hài hòa và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.