HỘI THẢO HÒA NHẬP XÃ HỘI Ở VIỆT NAM DO TIẾN SĨ UWANO TOSHIYUKI, ĐẠI HỌC TOKYO TRÌNH BÀY
Thứ sáu, 29/01/2016 10:01Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam- Đông Nam Á kết hợp với khoa Công tác- Xã hội vừa tổ chức hội thảo về chủ đề: “Hòa nhập với cộng đồng" với cái nhìn từ quan điểm của tiếp cận do TS. Uwano Toshiyuki, đại học Tokyo trình bày.
Hội thảo được tổ chức tại cả hai cơ sở của trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP. HCM. Buổi đầu tiên được tiến hành sáng ngày 30/3 tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng và lần thứ hai vào sáng ngày 1/4 tại cơ sở Thủ Đức với sự tham dự của TS. Trần Đình Lâm, GS. Grace Mishler, PGS. Đỗ Hạnh Nga, GS. Peggy McFarland, họcgiả Punbright, các giáo viên, cán bộ nhân viên cùng đông đảo các sinh viên trường, đặc biệt là sinh viên Khoa Công tác Xã hội.
PGS. Đỗ Hạnh Nga, GS. Peggy McFarland, GS. Grace Mishler, TS. Trần Đình Lâm, TS. Uwano, học giả Punbright và các giáo viên khoa CT-XH
Bắt đầu buổi trình bày, TS. Uwano cùng giúp mọi người hiểu hơn về “Tiếp cận, hòa nhập xã hội”. Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng, giúp cải thiện khả năng tham gia xã hội. Đó là các hoạt động như đi làm, đi học, đi khám bệnh hay tự đi ra ngoài hàng ngày để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Tiến sĩ, tiếp cận tại các nước tiên tiến được xem như là mối quan hệ của 3 trụ cột là người khuyết tật, chính phủ và doanh nghiệp. Nhờ có sức ảnh hưởng của người dân trong xã hội nên mới có thể xây dựng được một xã hội có tiếp cận. Xét về lý do kinh tế, các doanh nghiệp không muốn đầu tư hệ thống tiếp cận này vì chỉ là dành phục vụ cho một bộ phận người khuyết tật, tạo nên sự lãng phí. Tuy nhiên khi xã hội thay đổi, người dân trong xã hội dần dần hiểu được ý nghĩa của việc Tiếp cận hóa thì việc đầu tư hệ thống Tiếp cận cho các phương tiện giao thông công cộng trở thành điều hết sức bình thường. Nhờ đó Tiếp cận trở thành thứ phục vụ cho toàn thể xã hội, trở thành quyền lợi của người khuyết tật. Chính phủ phải ban hành các quy định về tiếp cận, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện cho dù phải tốn kém về mặt chi phí.
Sinh viên khoa CT-XH chụp hình cùng TS. Uwano
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về hiện trạng tiếp cận hiện nay, Tiến sĩ đưa ra thêm sự so sánh giữa Bangkok, Taiwan và Việt Nam về việc tiếp nhận sự tiếp cận giúp người khuyết tật hòa nhập vào xã hội dể dàng hơn. Tại các nước tiên tiến, nhờ quyền lợi của người khuyết tật và mô hình tiếp cận xã hội nên mới có thể thực hiện. Ở Việt Nam, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiếp cận chưa được lan truyền rộng rãi nhưng mọi người đang dần nhận thức về tiếp cận. Cụ thể năm 2008, lần đầu tiên có xe buýt gắn hệ thống tiếp cận ở Hà Nội và đến năm 2010, đã có luật tiếp cận dành cho người khuyết tật.
Kết thúc phần trình bày của mình, TS. Uwano muốn chia sẻ những triển vọng về sự tiếp cận hóa ở Việt Nam, những chính sách có thể sử dụng và ông tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một xã hội tiếp cận, một xã hội hiểu rõ về tiếp cận.
Các giảng viên, cán bộ cùng các sinh viên trong và ngoài khoa Công tác Xã hội rất tích cực đón nhận quan điểm của TS. Toshiyuki Uwano về vấn đề Tiếp cận ở Việt Nam. Trong buổi giao lưu với sinh viên, TS. Uwano đã rất ấn tượng với sự nhanh nhẹn, năng động và ý thức về Tiếp cận của các bạn sinh viên. Giáo sư cũng bày tỏ hy vọng về sự phát triển của xã hội Việt Nam với sự đóng góp của thế hệ trẻ của tương lai này.