HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: HẠN CHẾ TÍN DỤNG ĐEN TẠI VIỆT NAM
Thứ hai, 23/03/2020 09:03Sáng ngày 20/12/2019, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Hạn chế Tín dụng đen tại Việt Nam”. ThS Phạm Thanh Thôi – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài “Thực trạng và tác động của tín dụng trong công nhân tại các tỉnh/thành phía Nam” do Ngân hàng Liên Việt (LienVietPostBank) tài trợ, đã tham gia trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo.
Hội thảo đặc biệt này có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý thuộc các bộ/ban/ngành liên qua. Về phía lãnh đạo cơ quan Trung ương, có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Đại tá Phạm Văn Tám – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an; TS Nguyễn Đức Thắng – Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin Thanh tra Chính phủ; PGS.TS Đào Minh Phúc – Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng; ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số; ông Phạm Minh Khoan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung ương; ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.
Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có GS.TS Trần Thọ Đạt – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Đặng Ngọc Đức – Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính; cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, các tổ chức chính trị - xã hội; cùng đông đảo các học giả, các nhà khoa học, các đại biểu trong và ngoài trường.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo
PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu chào mừng và đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết, trong những năm qua, khu vực tài chính chính thức tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả phát triển ấn tượng. Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách tăng tiếp cận tín dụng chính thức cho các thành phần kinh tế khác nhau. Tuy vậy, tình trạng tín dụng đen vẫn hoành hành tại Việt Nam trong suốt thời gian dài, và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính phủ cũng đã nhận định rất rõ: tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Để “tuyên chiến” với tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị 12. Tuy việc thực hiện các quy định trên đã có những kết quả nhất định, cuộc khủng hoảng tín dụng đen vẫn chưa được phòng ngừa và xử lý triệt để.Tín dụng đen có thể coi là “quốc nạn”, cần có các “quốc sách” để xử lý. PGS.TS Phạm Hồng Chương hi vọng Hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học, các giảng viên, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và các nhà ngân hàng cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề lý thuyết và thực tiễn nhằm hạn chế tín dụng đen một cách có hiệu quả, hệ thống.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo được tổ chức với 2 phiên: Phiên 1 gồm 3 tham luận chính của các chuyên gia nghiên cứu và thực tiễn từ Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Công An, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM; và Phiên 2 thảo luận với sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận của các đại diện đến từ các bộ ngành có liên quan và các chuyên gia sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kinh tế số.
Hội thảo tập trung trả lời bốn câu hỏi lớn: (i) Tại sao tín dụng đen là quốc nạn? Các nguyên nhân gây ra tín dụng đen?; (ii) Các cách thức phòng ngừa tín dụng đen hữu hiệu, đặc biệt tập trung vào các cách thức sử dụng “bàn tay thị trường” từ sự phát triển của các tổ chức tín dụng chính thức? (iii) Các cách thức xử lý tín dụng đen?; (iv) Sự phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan quản lý, cơ quan thực tiễn cần thực hiện ra sao để trở thành “quốc sách” trong hạn chế tín dụng đen hiệu quả?
Tại Hội thảo các vấn đề được trình bày và thảo luận sẽ là cơ sở đề xuất các kiến nghị chính sách, định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các Ngân hàng thương mại, trung gian tài chính, các Doanh nghiệp và các trường Đại học ở Việt Nam.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính trình bày tham luận "Một số khuyến nghị nhằm xóa bỏ tín dụng đen"
Đại tá Phạm Văn Tám – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an trình bày tham luận "Thực trạng tình hình và khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến Tín dụng đen hiện nay và kiến nghị giải pháp"
ThS Phạm Thanh Thôi - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam & Đông Nam Á, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM trình bày tham luận "Thực trạng và tác động của tín dụng đối với công nhân các tỉnh phía Nam"
Đoàn chủ tọa điều hành phiên thảo luận tại hội thảo
Các đại biểu thảo luận tại Hội tháo
Ảnh: Phòng Truyền thông Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Bài viết: Tổng hợp từ https://neu.edu.vn/vi/tin-tuc-moi-nhat/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-han-che-tin-dung-den-tai-viet-nam-0705