TỌA ĐÀM KHOA HỌC: THỰC TRẠNG VÀ TÁC ĐỘNG CỦA TÍN DỤNG ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN TẠI CÁC TỈNH PHÍA NAM
Thứ ba, 05/11/2019 17:11Chiều ngày 01/11/2019, Trung tâm Nghiên Cứu Việt Nam và Đông Nam Á tổ chức Tọa đàm Khoa học “Thực trạng và tác động của tín dụng đối với công nhân tại các tỉnh phía Nam” tại Trường ĐH KHXH&NV, 10 -12 Đinh Tiên Hoàng, P.Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu Trưởng Trường ĐHKHXH&NV trao quà lưu niệm cho ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank tại buổi làm việc
Tham dự buổi tọa đàm có TS. Trương Văn Phước – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, GS. Chung Hoàng Chương – Khoa Á Mỹ học – City College of San Francisco, Hoa Kỳ, TS. Lê Vĩnh Triển – Khoa Quản lý nhà nước – Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, PGS. TS Hạ Thị Thiều Dao – Trưởng Khoa Kinh Tế Quốc Tế - Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Trịnh Phi Quang – Chủ tịch Công đoàn – Công Ty Cổ Phần SY Vina, TS. Trần Đình Lâm – Giám đốc TTNCVN&ĐNÁ, PGS. TS Thành Phần – Nguyên Phó Giám đốc TTNCVN&ĐNÁ, ThS. Phạm Thanh Thôi – Giảng viên Khoa Nhân học – Phó Giám đốc TTNCVN&ĐNÁ.
Về phía đối tác có ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện Trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank; ông Huỳnh Ngọc Huy – Thành viên HĐQT LienVietPostBank, TS. Phạm Bích Liên – Chánh Văn Phòng HĐQT LienVietPostBank Kiêm Trợ lý Chủ tịch HĐQT.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại tọa đàm
Trao đổi tại buổi tọa đàm, TS. Trần Đình Lâm cho biết, đề tài “Thực trạng và tác động tín dụng đối với công nhân tại các tỉnh phía Nam” được tài trợ kinh phí của LienVietPostBank. Trước đó, TT NCVN&ĐNÁ đã có cuộc trao đổi làm việc với ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank liên quan đến vấn đề xã hội đang quan tâm, cụ thể ở đây là hỗ trợ cho những người khó khăn trong xã hội đặc biệt là nông dân vùng sâu vùng xa. Sau khi nhóm nghiên cứu xem xét đề tài phát triển đồng bằng sông Cửu Long và được sự hỗ trợ của công ty Cổ phần may Nhà Bè đã đến với công nhân và tại đây nhóm nghiên cứu nhận thấy vấn đề công nhân gặp phải là vấn đề tín dụng rất cần thiết phải nghiên cứu. Bởi vì công nhân là nền tảng phát triển cho công nghiệp hóa, nguồn nhân lực này đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nhưng bản thân họ có rất nhiều khó khăn trong đời sống. Chính vì lý do đó, TTNCVN&ĐNÁ đề nghị với LienVietPostBank chuyển đối tượng chỉ phục vụ cho công nhân và nhận được sự đồng ý. Thông qua nghiên cứu này TTNCVN&ĐNÁ mong muốn có một sự gắn kết những hoạt động của doanh nghiệp – xã hội – nhà trường. Đồng thời, đóng góp một tiếng nói để hỗ trợ cho công nhân, đảm bảo cho họ có một cuộc sống tốt hơn để họ phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.
TS. Trần Đình Lâm – Giám đốc TTNCVN&ĐNÁ phát biểu tại tọa đàm
Đoàn nghiên cứu gồm có 8 người đã đi đến các địa phương nghiên cứu, khảo sát ở các tỉnh thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang và Hậu Giang dưới sự cấp phép của công ty Cổ phần may Nhà Bè.
Trước đó, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu Trưởng Trường ĐHKHXH&NV đã tiếp ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cảm ơn sự nhiệt tình giúp đỡ của Ngân hàng hỗ trợ cho các giảng viên trong trường có thêm nhiều cơ hội nghiên cứu. Ông Nguyễn Đình Thắng phát biểu:
“Đây là đề tài nghiên cứu có giá trị giúp các nhà nghiên cứu hoặc các Ngân hàng có số liệu và có cách nhìn để điều chỉnh lại định hướng kinh doanh của mình. Tôi cũng đi nhiều và tiếp cận với công nhân nên nhận thấy khó khăn của người dân có thu nhập thấp vùng sâu vùng xa, của công nhân, nhu cầu chi tiêu cấp bách họ phải đi vay nhưng chưa tiếp cận được hệ thống cho vay hợp lý. Vì ngặt nghèo họ chấp nhận đi vay các tổ chức tín dụng lãi suất cao và vô tình rơi vào bẫy thậm chí phải trả nợ cả đời. Chúng ta cần nhìn nhận hiện trạng tín dụng cho vay lãi suất cao có tác động xấu đến đời sống của người dân. Từ những yếu tố đó để chúng ta có chính sách phù hợp để hỗ trợ người lao động có cuộc sống tốt hơn tránh sa vào bẫy của các tổ chức tín dụng có lãi suất cao”.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank phát biểu tại buổi tọa đàm.
“Như vậy việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của công nhân chưa được coi trong đúng mức. Nghiên cứu ghi nhận phản hồi từ phía công nhân và phải làm sao đó để có tiếng nói của công đoàn hỗ trợ thật sự cho công nhân và tránh những rủi ro” – Ông cho biết thêm.
Ông nhấn mạnh:
“Phát triển kinh tế cần thiết phải đưa ra giải pháp cho nhà nước. Nếu chúng ta quay lưng lại với người công nhân mà chỉ chú trọng phát triển công nghiệp thì khoảng cách xã hội ngày càng lớn và sẽ xảy ra những sự cố trong xã hội không lường trước được”.
Đề cập về vấn đề tín dụng đối với công nhân các tỉnh phía Nam, TS. Trương Văn Phước – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng nhận định:
“Thực trạng về tín dụng trong giới công nhân nếu không có một khuôn khổ pháp lý nào để ràng buộc thì nó sẽ gây ra tác động tiêu cực. Cần phải thiết lập một tầng lãi suất cho vay đối với tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, sử dụng hệ thống tín dụng với lực lượng mạnh của mình để bù đắp rủi ro cho hoạt động ít sinh lời và có nhiều rủi ro”.
“Tóm lại, đây là đề tài bước đệm cho một ý tưởng quan trọng là chúng ta tiến tới tấn công vào tín dụng lãi suất cao đang xâm thực vào lợi ích của người nghèo, người thân cô, thế cô trong xã hội” - Ông nhấn mạnh
TS. Trương Văn Phước – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng phát biểu tại buổi tọa đàm.
Sự gia tăng mạnh mẽ và cạnh tranh phức tạp của tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay là vấn đề quan tâm hàng đầu của cơ quan quản lý nhà nước, người làm khoa học và người dân. Sự ra đời phương thức quy trình cho vay mới, cá nhân cho vay có tính chất thương mại đặt ra hệ thống tín dụng Việt Nam “một bức tranh mới”. Khả năng tạo nợ cho khách hàng và tính đặc thù của các hợp đồng vay nợ, đơn vị tín dụng cho vay hiện nay cũng có màu sắc mới.
Đặc điểm kinh tế, đời sống văn hóa xã hội và sống công nhân đang gia tăng mức phụ thuộc vào các hợp đồng vay nợ. Trong bối cảnh công nghiệp hóa đô thị hóa, di dân từ nông thôn lên đô thị, tách khỏi đời sống kinh tế hộ gia đình. Nhiều yếu tố làm cho công nhân dù ở các tỉnh thành, nông thôn, làm cho các nhà máy cũng như các đô thị lớn như Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM đều đang có xu hướng phụ thuộc vào các hợp đồng vay nợ.
Thực trạng nhu cầu và quá trình tiếp cận tín dụng hợp đồng vay nợ có lãi suất cao, kinh tế xã hội công nhân có mức thu nhập trung bình và thấp ở Việt Nam hiện nay có hệ luy rất lớn.
Từ đó cần xác định luận cứ khoa học và thực tiễn để góp phần giúp chính phủ đóng vai trò chủ đạo cùng với các ngành, các đơn vị liên quan trong việc xây dựng chính sách và giải pháp nhằm làm cho thị trường tài chính minh bạch, chuẩn mực, hệ thống tín dụng vi mô, đáp ứng nhu cầu vay nợ hợp pháp và chính đáng để sinh tồn và tạo dựng cuộc sống ổn định của người lao động có mức thu nhập thấp và trung bình ở Việt Nam
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:
ThS. Phạm Thanh Thôi – Giảng viên Khoa Nhân học – Phó Giám đốc TTNCVN&ĐNÁ báo cáo sơ kết đề tài NCKH: Thực trạng vay tín dụng của công nhân tại tỉnh/thành phía Nam và các yếu tố tác động.
PGS. TS. Hạ Thị Thiều Dao - Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế - Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM nêu ý kiến về nguồn vốn cho vay và những vấn đề trong hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam hiện nay
GS. Chung Hoàng Chương - Khoa Á Mỹ học thuộc City College of San Francisco chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của Liên hiệp Tín dụng (Credit Union) và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
TS. Lê Vĩnh Triển – Khoa Quản lý nhà nước - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nêu ý kiến phản biện tại tọa đàm
Tọa đàm thu hút đông đảo các quý đại biểu đến từ các trường, các ngân hàng và cơ quan chuyên ngành
Thông tin về Buổi tọa đàm trên các kênh thông tin khác:
3. Báo Người Lao động: https://nld.com.vn/thoi-su/giai-vay-cong-nhan-khoi-tin-dung-den-20191101214646867.htm
|