Phỏng vấn GS Michael Lavin: ''Tây có cân bằng khác Ta?''
Thứ ba, 10/05/2011 13:05Phóng viên Tuệ Giang đã có cuộc phỏng vấn GS Michael Lavin, Đại học Truman, Chicago, Hoa Kỳ, một diễn giả thân thiết của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á nhân dịp ông sang Việt Nam. Trung tâm trân trọng giới thiệu bài này với các khán giả đã từng tham dự các khóa giảng của ông.
SGTT.VN - Michael Lavin là nhà trị liệu tâm lý đến từ đại học Truman, Chicago, Hoa Kỳ. Từ năm 2000, Michael liên tục đến Việt Nam hàng năm. Ông thường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á của đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức các hội thảo về “Tư duy tích cực”.
Sài Gòn Tiếp Thị Nguyệt san đã trò chuyện với ông về cân bằng trong cuộc sống. Trị liệu bằng “chánh niệm”
Nhiều người ở các nước đang phát triển cho rằng cuộc sống ở Mỹ và các nước phương Tây rất hoàn hảo vì vật chất đầy đủ. Ông có nghĩ vậy không?
Suy nghĩ đó là có thật. Nhưng không phải tất cả mọi người phương Tây đều hạnh phúc. Với nhiều người thì đó không phải là thiên đường, mà là cỗ máy làm việc – tiêu dùng không ngừng nghỉ. Nhiều người rất “nghiện vật chất”. Khi vẻ đẹp, sự thông minh, tiền bạc, tài sản và quyền lực được tôn sùng; khủng hoảng, tội ác và gia đình tan vỡ bị lôi vào vòng xoáy ngày càng dâng cao. Có những người đam mê theo đuổi vật chất, cuối cùng phá sản cả về tiền bạc lẫn tâm lý. Khủng hoảng xảy ra, nhà bị tịch thu, họ thì béo phì và không có tiền sinh sống. Cuộc khủng hoảng đã thức tỉnh nhiều người từng ngụp lặn trong mơ ước về “thì tương lai”. Hoàn cảnh mới buộc họ phải chiêm nghiệm về sự tồn tại. Nhiều người nuôi dưỡng cuộc sống “giản đơn” hơn: ít, nghĩa là có nhiều hơn. Nhiều người bị buộc phải xem xét lại những ưu tiên trong cuộc sống. Họ nhận ra, tài sản chất ngất và tiền bạc đã làm họ trở nên xa lạ với những điều quan trọng nhất trong cuộc sống – con người: gia đình, bạn bè, giúp đỡ người khác.
Những hiện tượng này là khía cạnh tiêu cực của xã hội hiện đại?
Đúng vậy. Ở phương Tây mọi người có thể tìm đến những liệu pháp tâm thần, những nhà chuyên môn về sức khoẻ tinh thần để xoá lo lắng, trầm cảm hoặc rối loạn tính cách. Trớ trêu là con người đang trở nên “nghiện” những loại thiền được kê toa và không sống được nếu thiếu chúng. Vì vậy, người ta sử dụng thuốc tâm thần nhiều hơn, tìm đến các nhà trị liệu tâm lý và bác sĩ tâm thần nhiều hơn.
Ông trị liệu cho họ ra sao?
Tôi không đưa ra lời khuyên. Tốt hơn là giúp họ có được sự thấu hiểu sâu sắc rằng “họ không thật sự sống”. Tôi luôn hỏi “Bạn đang sống ở đâu?” Tôi không nói tới địa điểm mà nói đến quá khứ, hiện tại, tương lai. Đa số mọi người như những chiếc máy ham muốn, đầu óc toàn ám ảnh bởi vật chất. Họ không sống ở quá khứ cũng không ở hiện tại. Tôi sử dụng một cách điều trị là “chánh niệm” – sự nhận biết. Ôm ấp vỗ về vấn đề của bạn, thay vì đè nén nó. Mục tiêu là thay đổi những niềm tin vô lý và mang chánh niệm – sự nhận biết đến cuộc đời của họ. Một điều làm tôi ngạc nhiên là ở Việt Nam, nhiều sinh viên, giảng viên và nhân viên các công ty... không biết thiền. Tôi cứ nghĩ người Việt Nam đa số sẽ thiền hàng ngày. Ở Ấn Độ cũng vậy, nhiều người cũng không biết thiền.
Hướng nội hay hướng ngoại?
Có phải chúng ta đang “hướng ngoại” nhiều quá, nên cần “hướng nội” nhiều hơn?
Câu hỏi thật sự là “Có cần cân bằng hơn không?” Với việc sử dụng công nghệ cao và lối sống nhanh, nhiều người không có thời gian cho người khác. Họ đang đánh mất khả năng cân bằng, điều cốt lõi của một cuộc sống hạnh phúc. Quá cực đoan theo kiểu chỉ hướng nội hoặc hướng ngoại đều không tốt. Câu hỏi chính là “người đó có khả năng thích ứng không?” Vừa “nội” vừa “ngoại” thì sẽ lạc quan hơn và có những kỹ năng sống tốt hơn.
Ông có thể chia sẻ thêm về những vấn đề tâm lý mà con người gặp phải ở nhiều nước khác nhau?
Mặc dù mọi vấn đề đều có thể giống nhau “xuyên văn hoá”, nhưng những nước khác nhau có thể có những vấn đề tâm lý khác nhau. Ở Malaysia, tôi có những sinh viên gặp bất đồng trong hôn nhân vì chồng có ba bà vợ. Không dễ để nêu đúng vấn đề vì giải quyết thế nào đi nữa cũng gặp lại vấn đề mà thôi. Ở Đài Loan và Trung Quốc tôi có vài sinh viên bị “ma ám”. Từ cách nhìn phương Tây thì ma ám không logic. Nhưng nếu nói với họ là chứng ma ám không có cơ sở sẽ chẳng thể nào giải quyết được sự rối loạn do lo sợ của họ. Tại Việt Nam, giống như những quốc gia châu Á khác, nhiều người miễn cưỡng khi nói về vấn đề tâm lý của họ. Họ không muốn diễn đạt bằng lời nhưng vấn đề lại thể hiện ra ở cơ thể: đau đầu, đau lưng, huyết áp cao. Thú nhận bệnh thể chất dễ hơn thú nhận bệnh tâm lý, vì sợ mất mặt.
Tư duy tích cực mọi lúc mọi nơi
Tư duy tích cực có giúp cân bằng hơn? Có thể ứng dụng nó ở Việt Nam không ông, khi mà những vấn đề gặp phải không giống ở phương Tây?
Suy nghĩ tích cực tái tạo cân bằng và mang đến hạnh phúc cho cuộc sống. Trường phái Tâm lý tích cực dựa vào hạnh phúc, hy vọng, sự lạc quan và ủng hộ của xã hội đã giúp nhiều người nâng chất lượng cuộc sống. Nhưng, phải có hành vi tích cực nữa. Và biết chấp nhận rủi ro khi thay đổi. Tư duy tích cực có thể ứng dụng ở mọi nơi. Vấn đề có thể rất khác nhau nhưng căng thẳng hay hạnh phúc là một công việc “bên trong”. Sự nhận thức tạo ra căng thẳng. Tiến sĩ David Hawkins cho rằng “mọi căng thẳng do thái độ bên trong của chúng ta tạo ra”. Thái độ chính là tập hợp của suy nghĩ. Tập trung vào những căng thẳng tiêu cực thì hạnh phúc và sức khoẻ của bạn sẽ giảm đi. Ngược lại thì sự trân trọng và hài lòng với cuộc sống sẽ gia tăng.
Cảm nhận của ông về Việt Nam sau chín lần đến đây?
Sau năm lần đến Việt Nam tôi nói với người phiên dịch “Tôi không thích Việt Nam đâu! Vì tôi yêu Việt Nam!” Tôi đã đến 49 nước trên thế giới và cho đến nay Việt Nam là số một trong mắt tôi, tim tôi. Tôi bị quyến rũ bởi văn hoá, đồ ăn, truyền thống, giá trị gia đình và sự nhân ái của người Việt Nam. Bên cạnh đó, không giống Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và những đất nước đã “đồng hoá”, Việt Nam còn giữ được vẻ hấp dẫn của sự hoà trộn cái mới và cái cũ.
TUệ GIANG thực hiện, ảnh ZHIVAGO.

Bài mới hơn
HỘI THOẠI KHOA HỌC VIỆT NAM – INDONESIA: THÚC ĐẨY HỢP TÁC KINH TẾ VÀ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓATRƯỜNG ĐHKHXH&NV TP.HCM TIẾP GIÁO SƯ AMARJIVA LOCHAN SINGH – THÚC ĐẨY HỢP TÁC GIAI ĐOẠN 2 DỰ ÁN SỐ HÓA VĂN BẢN CHĂMTHAM DỰ NGÀY HỘI TUYỂN DỤNG NHÂN VĂN - USSH JOB FAIR 2025: KẾT NỐI – CƠ HỘI – PHÁT TRIỂNĐÓN TIẾP ĐOÀN BAN GIÁM HIỆU TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO JAKARTA VÀ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DU LỊCH TÂM LINH BOROBUDUR, INDONESIAĐÓN TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI GS.TS CHAIRY – PHÓ HIỆU TRƯỞNG PHỤ TRÁCH HỢP TÁC, ĐẠI HỌC PRESIDENT, INDONESIATHAM DỰ HỘI THẢO QUỐC TẾ KỶ NIỆM 70 NĂM HỘI NGHỊ BANDUNG TẠI INDONESIATRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI GAMUDA LAND VIETNAMHỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM – ASEAN TP.HCM VÀ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á THĂM, CHÚC TẾT CỔ TRUYỀN CÁC TỔNG LÃNH SỰ QUÁN LÀO, CAMPUCHIA, THÁI LAN TẠI TP.HCMTHAM DỰ CHƯƠNG TRÌNH CHÚC MỪNG TẾT CỔ TRUYỀN CÁC DÂN TỘC CAMPUCHIA, LÀO, THÁI LAN VÀ MYANMARTRAO KỶ NIỆM CHƯƠNG VÌ HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ GIỮA CÁC DÂN TỘC CHO NGÀI AUGUSTAVIANO SOFJAN – TỔNG LÃNH SỰ INDONESIA TẠI TP. HỒ CHÍ MINH VÀ GIAO LƯU VĂN HÓA: ASEAN HẠNH PHÚC CÙNG TRÀ