HỘI THẢO QUỐC TẾ REACT: NHỮNG THÁCH THỨC CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐỐI VỚI KHU VỰC HẠ LƯU SÔNG MEKONG / NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI, VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VÀ CÁC BÀI HỌC KINH NGHIỆM GẦN ĐÂY
Thứ sáu, 18/10/2019 19:10Ngày 19 và 20-9-2019 Hội thảo quốc tế REACT với chủ đề: “Những thách thức gây ra bởi biến đổi khí hậu ở khu vực hạ lưu sông Mekong - Những khám phá mới, vấn đề cấp bách và các bài học kinh nghiệm gần đây” được tổ chức tại trường ĐH KHXH&NV, 10 -12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1.
Hội thảo có sự tham dự của TS. Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-ĐHQG-HCM, TS. Roberto Escarré - Giám đốc Văn phòng Quản lý Dự án Quốc tế - Đại học Alicante (Tây Ban Nha), TS. Roderich von Detten - Phó giáo sư - Viện Khoa học Xã hội và Môi trường - Đại học Freiburg (Đức) và các học giả nghiên cứu từ các nước Đức, Pháp, Nhật, Ý, Tây Ban Nha, Lào, Campuchia, Úc, Indonesia, Philippines và Việt Nam …
Cùng các quý đại biểu của 6 trường đại học thành viên phía Việt Nam, Lào và Campuchia, các giáo sư châu Âu và các thành viên tham gia dự án REACT.
Hội nghị nhằm tập hợp các học giả và nhà nghiên cứu giáo dục Đại học và các tổ chức nghiên cứu trong khu vực, tạo nên một mạng lưới mạnh mẽ và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong nghiên cứu và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các bên liên quan từ chính phủ, các ngành công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác trong khu vực được mời tham gia vào các phiên của hội thảo. Mục tiêu là truyền đạt và hợp nhất các nỗ lực của các nhà nghiên cứu và các bên liên quan để phản ánh và xây dựng kiến thức hiện có và thúc đẩy các nỗ lực trong nghiên cứu và hành động liên quan đến biến đổi khí hậu trong khu vực.
Tại buổi hội thảo, TS. Phan Thanh Định-Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV-ĐHQG-HCM bày tỏ lòng biết ơn và cảm kích trước sự hỗ trợ của Cộng đồng châu Âu, Quỹ Erasmus và các trường đại học châu Âu cho dự án trong ba năm qua. Bên cạnh đó, ông cũng chân thành cảm ơn các giáo sư, quý thành viên dự án đã nhiệt tình hỗ trợ, truyền đạt kiến thức mới, cách thức quản lý, thành lập trung tâm nghiên cứu, kết nối và phát triển mạng lưới về Biến đổi khí hậu giữa các trường đại học châu Âu với các trường đại học thành viên phía Việt Nam, Lào, Campuchia. Đại học Quốc gia TP.HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các trường đại học thành viên đã chia sẻ những khó khăn trong nghiên cứu và đào tạo của Việt Nam trong quá trình đổi mới và vươn lên.
Đồng thời, TS. Phan Thanh Định mong muốn quý lãnh đạo sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường đại học thành viên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Ông cho biết :
“Kết quả của dự án là phần thưởng quý báu dành cho Trường chúng tôi nói riêng, và các trường đại học Việt Nam, Lào, Campuchia nói chung. Chương trình đào tạo, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của quý vị về Biến đổi khí hậu – Phát triển bền vững đã tạo ra sự tác động lớn giúp thay đổi công tác nghiên cứu và đổi mới cho giáo dục Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thích ứng, giảm thiểu các tác động của Biến đổi khí hậu. Đây là bước khởi đầu thành công cho sự phát triển của đơn vị chúng tôi”.
Nói về dự án REACT ở ba quốc gia Lào, Campuchia và Việt Nam. TS. Roberto Escarré - Giám đốc Văn phòng Quản lý Dự án Quốc tế - Trường ĐH Alicante đến từ châu Âu cho biết lý do tại sao ông chọn ba địa phương này:
“Cả ba quốc gia trên đều thuộc khu vực hạ lưu sông Mekong và đều có nhu cầu kinh tế xã hội cấp thiết nên vấn đề biến đổi khí hậu càng làm cho ba quốc gia này dễ tổn thất hơn. Ý tôi là tác động nặng nề của vấn đề biến đổi khí hậu lên ba quốc gia này. Ngoài ra, còn có một lý do thực tế khác nữa. Chúng tôi đã có 20 năm làm việc ở Việt Nam. Chúng tôi liên kết chặt chẽ với đối tác là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Đây cũng chính là lý do thích hợp để tổ chức sự kiện. Và có thể nói đây là Thiên thời, địa lợi và nhân hòa”.
REACT là một dự án được hỗ trợ bởi Quỹ Erasmus+ nhằm nâng cao năng lực trong giáo dục đại học đang được phát triển ở Campuchia, Lào và Việt Nam từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 10 năm 2019. Mục tiêu chung của REACT là hỗ trợ các TCGDĐH ở Campuchia, Lào và Việt Nam tăng cường năng lực và hợp tác trong khu vực bằng cách thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới hiệu quả trong biến đổi khí hậu. Campuchia và Lào, Việt Nam là các quốc gia trên thế giới dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu do phần lớn dân số sống ở nông thôn và phụ thuộc nhiều vào môi trường sống địa phương và khả năng đối phó với các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu còn hạn chế.
“Nghiên cứu và phân tích thực nghiệm chuyên sâu về việc NC&PT về biến đổi khí hậu và học tập dựa trên năng lực tại các Tổ chức giáo dục Đại học”, trong khuôn khổ của dự án REACT, tập trung vào thực trạng và nhu cầu của Campuchia, Lào và Việt Nam về NC&PT (từ quản lý đến phương pháp, thực hiện, đánh giá và chuyển giao kết quả nghiên cứu) về Biến đổi Khí hậu, cũng như các đề xuất và nhu cầu thực tại của các chủ đề liên quan đến Biến đổi Khí hậu trong chương trình giảng dạy của các tổ chức giáo dục Đại học (TCGDĐH) ở các nước đối tác (PC) nêu trên.
Mục đích của nghiên cứu này xác định các lĩnh vực cải thiện tiềm năng trong đó các đơn vị Nghiên cứu và Học thuật của REACT về biến đổi khí hậu có thể can thiệp hiệu quả hoặc là cần phát triển năng lực hơn nữa.
Nghiên cứu này đóng vai trò là một mốc quan trọng để hiểu rõ hơn về thực trạng và nhu cầu nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển về BĐKH tại Campuchia, Lào và Việt Nam.
Một số hình ảnh về các hoạt động diễn ra tại sự kiện:
TS. Roberto Escarré, Giám đốc Văn phòng Quản lý Dự án Quốc tế (Trường ĐH Alicante) chia sẻ về mục tiêu của Hội thảo Tổng kết
TS. Roderich von Detten, Đại học Freiburg, Đức giới thiệu về dự án REACT
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Hội thảo
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các thành viên của Mạng lưới REACT