HỘI THẢO QUỐC TẾ LẦN THỨ 11 – BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: ẢNH HƯỞNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỐI PHÓ
Thứ hai, 22/04/2019 18:04Trong khuôn khổ dự REACT (*) do Quỹ Erasmus+ của EU tài trợ, từ ngày 16/04 đến 17/04, TS. Trần Đình Lâm đã tham dự Hội thảo quốc tế lần thứ 11 về Biến đổi khí hậu: Ảnh hưởng và giải pháp đối phó (Eleventh international conference on Climate Change: Impacts and Responses) tại Trung tâm Pryzbyla, Đại học Công giáo Hoa Kỳ, Washington D.C, Hoa Kỳ. Đây là một hoạt động thường niên do Mạng lưới Nghiên cứu Common Ground, Hoa Kỳ tổ chức.
Hội thảo đã tập hợp những nghiên cứu của 92 nhà khoa học, học giả của nhiều trường, tổ chức khác nhau đến từ 21 nước với các chủ đề đa dạng được thực hiện dựa trên các phương pháp nghiên cứu thích hợp nhằm cung cấp những bằng chứng hữu ích cho những gợi ý chính sách trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Khai mạc hội thảo, GS. John Garvey, Hiệu trưởng trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ đã có phân giới thiệu sơ lược ý nghĩa của hội thảo cùng như tầm quan trọng của việc nghiên cứu về biến đổi khí hậu và vai trò của các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính sách đối với vấn đề này. Qua đó, kêu gọi tất cả cùng góp sức bảo vệ môi trường sinh thái cho thế hệ mai sau và kêu gọi các nước quan tâm, chú trọng hơn đến các khu vực chịu sự ảnh hưởng của biến đối khí hậu.
Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến nghiên cứu biến đổi khí hậu qua 4 nhóm chủ đề:
- Bằng chứng khoa học (Scientific Evidence)
- Đánh giá ảnh hưởng trong các hệ sinh thái khác nhau (Assessing Impacts in Divergent Ecosystems)
- Tác động của con người và những ảnh hưởng đến con người (Human Impacts and Impacts on Humans)
- Giải pháp kỹ thuật, chính trị, xã hội (Technical, Political, and Social Responses)
Diễn ra trong hai ngày, hội thảo được tổ chức thành nhiều phiên thảo luận khác nhau. Mở đầu hội thảo là phiên báo cáo toàn thể (Plenary session). Sau đó, những người tham gia được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với báo cáo viên trình bày trong phiên toàn thể tại buổi thảo luận ngoài trời (Garden conversation). Kết thúc phiên báo cáo toàn thể, các nhà nghiên cứu được tạo điều kiện để gặp gỡ và tương tác với các đại biểu có chung chủ đề nghiên cứu hay có cùng chủ đề quan tâm tại buổi Talking circles trước khi tham gia vào các phiên báo cáo song song (Parallel sessions).
Các đại biểu tham dự phiên báo cáo song song
Tại hội thảo lần này, TS. Trần Đình Lâm cũng có phần trình bày tham luận liên quan đến chủ đề “Cải cách kinh tế và chính sách môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ở Việt Nam”. Trong đó, TS nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đổi mới kinh tế hướng đến phát triển bền vững và việc thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Vì vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các công ty và người dân để có thể tạo ra mô hình phát triển kinh tế thực tiễn đi đôi với chất lượng tại Việt Nam.
TS. Trần Đình Lâm trình bày tham luận tại hội thảo
Nhân dịp này, TS. Trần Đình Lâm cùng đã giới thiệu đến các đại biểu tham dự về Dự án REACT (*) và Hội thảo quốc tế về Biến đổi khí hậu trong khuôn khổ dự án được tổ chức vào tháng 9 sắp tới.
Giới thiệu Dự án REACT đến bà Michele Hill, Conference Producer, Mạng lưới Nghiên cứu Common Ground
Giới thiệu Dự án REACT đến GS. Michelle RcCauley(trái), GS. Michel Guldery(phải),
Đại học Middlebury, Hoa Kỳ
Hai ngày hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo được một diễn đàn trao đổi liên ngành, kết nối các nhà nghiên cứu và hoạt động hàng đầu thế giới cung cấp các bằng chứng liên quan đến biết đổi khí hậu cũng như những hậu quả và ảnh hưởng của nó đến hệ sinh thái và con người. Từ đó, các đại biểu tham dự cùng đề xuất những giải pháp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu trên các phương diện công nghệ, chính sách và chiến lược xã hội.
Tham khảo thêm thông tin chi tiết về Dự án REACT và Hội thảo quốc tế tại đây.