LAN TỎA NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA LUẬT NGƯỜI CAO TUỔI
Thứ ba, 05/01/2021 14:01Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) – ĐHQG TP.HCM đã xây dựng dự án “Truyền thống “Già cậy con” và Luật Người Cao tuổi: Rào cản và khuyến nghị tư pháp qua nghiên cứu thực trạng thực hiện Luật Người Cao tuổi tại tỉnh Đồng Tháp” với sự tài trợ của Quỹ JIFF và tổ chức OXFAM tại Việt Nam.
Dự án tập trung tìm hiểu những yếu tố tác động hay những rào cản của việc thực thi Luật Người Cao tuổi để từ đó có những khuyến nghị về tư pháp và công tác triển khai để Luật thực sự đi vào đời sống. Ngày 29/12/2020 vừa qua, Trung tâm đã tổ chức buổi báo cáo kết quả nghiên cứu dự án với sự tham dự của hội viên Hội Người Cao tuổi trong thành phố và một số địa phương trong dự án. Đại diện Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, TS. Trần Đình Lâm – Giám đốc Trung tâm đã tham dự buổi báo cáo.
Ở Việt Nam, “quyền” được con cháu chăm sóc và “nghĩa vụ” chăm sóc người cao tuổi đã được chính thức hoá bằng các phong tục tập quán và các quy chuẩn đạo đức. Luật Người Cao tuổi được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009, quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Mặc dù Luật Người Cao tuổi đã ban hành đến nay được 10 năm nhưng sự quan tâm cũng như tính phổ biến của Luật còn nhiều hạn chế.
Tại buổi báo cáo, TS. Phạm Thanh Duy – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Điều phối viên của dự án đã đại diện báo cáo kết quả và đưa ra các khuyến nghị sau quá trình tìm hiểu và nghiên cứu dự án tại tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, người cao tuổi sống ở khu vực đô thị có trình độ học vấn cũng như điều kiện sống tốt hơn người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn. Mong muốn quan trọng nhất của họ chính là được chăm sóc sức khỏe, trợ cấp xã hội và được đảm bảo lương thực. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra kết luận có sự bất bình đẳng nhất định trong việc tiếp nhận thông tin về phổ biến pháp luật đối với nhóm yếu thế trong xã hội. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được chỉ ra trong nghiên cứu này bao gồm: rào cản từ phía người cao tuổi: trình độ học vấn, sức khỏe - tuổi tác; rào cản bên ngoài là yếu tố tuyên truyền, sức hấp dẫn của Luật Người Cao tuổi,…
.jpg)
TS. Phạm Thanh Duy (đứng) tại buổi báo cáo
Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số các khuyến nghị tư pháp để Luật Người Cao tuổi đi vào đời sống của người dân. TS. Duy nhấn mạnh về vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, không chỉ thực hiện ở cấp Hội Người Cao tuổi mà còn phải được đầu tư để phổ biến trên các phương tiện truyền thông với các hình thức tuyên truyền khác nhau. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị điều chỉnh tuổi nhận bảo trợ xã hội từ 80 xuống còn 75 để phù hợp với cơ cấu tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay (73 tuổi).
Một trong những thành quả tốt đẹp mà Trung tâm phát triển Nông thôn – Saemaul Undong đã đạt được đó là tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân tỉnh Đồng Tháp về Luật Người Cao tuổi với sự tham gia của hơn 2500 người tại 25 điểm cầu ở 12 quận, huyện vào ngày 26/12/2020. Buổi tập huấn đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo ra được sự thay đổi về nhận thức về Luật Người Cao tuổi đối với đại đa số người tham dự, và hơn hết có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với người cao tuổi tại tỉnh Đồng Tháp. Luật Người Cao tuổi có ý nghĩa rất nhân văn hướng đến việc đảm bảo quyền lợi và nâng cao nghĩa vụ và trách nhiệm của người cao tuổi. Trong tương lai, cần tiếp tục phổ biến và phát huy Luật bằng việc tập trung giải quyết các yếu tố rào cản này để Luật Người Cao tuổi ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Bài mới hơn
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á ĐỒNG HÀNH CÙNG NGÀY HỘI NHÂN VĂN: KẾT NỐI VÀ LAN TỎA NĂM 2025TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á GÓP PHẦN LAN TỎA TRI THỨC VÀ VĂN HÓA KHU VỰC TẠI YOUTHFEST 2025THAM DỰ HỘI THẢO ĐẦU TƯ VÀO KINH TẾ CHĂM SÓC: GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNGĐÓN TIẾP TS. HUMPREY ARNALDO RUSSEL ĐẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI TRUNG TÂMHỘI THẢO GIAO LƯU HỢP TÁC NÔNG NGHIỆP MỚI THÔNG MINH VIỆT NAM - ĐÀI LOANTHAM DỰ SỰ KIỆN RUNG CHUÔNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚITỌA ĐÀM KHOA HỌC: ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRONG ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂNTHAM DỰ HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2025 CỦA HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM – THÁI LANTIẾP NGÀI ĐẠI SỨ KUNIO TAKAHASHI, VIỆN NGHIÊN CỨU NHẬT BẢNCHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU THỰC ĐỊA TẠI THÀNH PHỐ HUẾ