BUỔI TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN VIỆT NAM VÀ ASEAN - THÀNH TỰU, VẤN ĐỀ VÀ TRIỂN VỌNG TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Thứ ba, 15/12/2020 09:12Sáng ngày 30/11/2020, nhận lời mời của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TS. Trần Đình Lâm - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á đã tham dự Tọa đàm trực tuyến “Việt Nam và ASEAN, Thành tựu, vấn đề và triển vọng trong kỷ nguyên mới”. Tham dự buổi trao đổi còn có sự hiện diện của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Việt Nam - ASEAN Thành phố Hồ Chí Minh. Buổi tọa đàm được tổ chức tại Hội trường Văn Khoa - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM với sự tham gia của các bạn sinh viên đến từ nhiều trường Đại học như: Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), Đại học Luật, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH),… Ngoài ra, buổi tọa đàm còn được phát trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Tại buổi tọa đàm, TS. Lâm đã tổng kết lại về quá trình hội nhập và những lợi ích mà Việt Nam đã nhận được khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1986, những chính sách đối ngoại khép kín, thiếu sự gắn kết với khu vực đã khiến Việt Nam rơi vào tình trạng bị bao vây, cô lập và những hệ quả kinh tế. Việc được các quốc gia Đông Nam Á chấp thuận là một thành công rất lớn đối với Việt Nam. Từ vị thế một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Việt Nam đã từng bước hội nhập, tiếp thu các kinh nghiệm, đầu tư quốc tế và đạt được những thành tựu đáng tự hào như trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Về khía cạnh an ninh chính trị, việc hợp tác hội nhập với các quốc gia trong khu vực đã giúp Việt Nam không chỉ tập trung phát triển nền kinh tế, quảng bá văn hóa mà còn nâng cao vị thế trong các diễn đàn quốc tế, củng cố và bảo vệ lợi ích quốc gia. TS. Lâm nhấn mạnh thế hệ trẻ Việt Nam cần tập trung vào việc phát triển nội lực quốc gia để tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung.
TS. Trần Đình Lâm trình bày tại tọa đàm. Ảnh: Minh Hoàng
Về chương trình hành động của Việt Nam đến 2025, TS. Lâm đã nêu ra ba trụ cột chính trong hợp tác với ASEAN của Việt Nam: An ninh chính trị, Văn hóa và Xã hội. Để thực hiện được những mục tiêu trên, vấn đề tiên quyết mà Việt Nam cần giải quyết là xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân. Trong những năm tiếp theo, Việt Nam vẫn chào đón nguồn vốn FDI nhưng các doanh nghiệp cần tập trung học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật, cách thức quản lý để phát triển các thương hiệu nội địa. Bên cạnh đó, Chính phủ các bên cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp phát huy được sức mạnh của mình trong việc gắn kết nguồn lực và thúc đẩy kinh tế của các nước Đông Nam Á phát triển một cách bền vững. Về khía cạnh văn hóa, thế hệ trẻ Việt Nam nên tìm hiểu và trang bị thêm về văn hóa, ngôn ngữ các quốc gia trong khu vực để dễ dàng giao lưu, hợp tác và xây dựng môi trường hòa bình, thịnh vượng chung trong Đông Nam Á.