VAI TRÒ CỦA PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰC VIỆT NAM QUA LĂNG KÍNH CỦA GIÁO SƯ YAMADA
Thứ sáu, 11/12/2020 21:12Cuối tháng 10/2020, sau khi tham dự buổi lễ kí kết mạng lưới hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp tại Hà Nội, TS. Trần Đình Lâm – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á đã có buổi trò chuyện với GS. Yasuhiro Yamada – Trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á và Đông Á (ERIA) về các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV). Nội dung buổi trao đổi xoay quanh chủ đề thay đổi tư duy trong việc phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam.
GS. Yamada trong buổi trò chuyện
Giáo sư Yamada trong buổi trò chuyện đã bày tỏ sự ấn tượng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như tinh thần đổi mới, hội nhập của Việt Nam trong những năm gần đây. Giáo sư từng chứng kiến các kỹ sư giỏi của Việt Nam thay thế các kỹ sư Hàn Quốc thực hiện thành công sứ mệnh đào hầm Hải Vân trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Rõ ràng, nguồn nhân lực nội tại của Việt Nam rất dồi dào nhưng đâu đó vẫn chưa biết tận dụng một cách tối đa và đúng cách.
Qua đó, Giáo sư cũng mong muốn Việt Nam nên chăm chút hơn nữa vào phát triển trường đào tạo nghề. Giáo sư Yamada cho biết trường nghề ở Nhật Bản đã rất thành công và phổ biến tại Nhật từ những năm 1960, 1970. Các bạn trẻ ở độ tuổi 15 – 16 tuổi đã có thể tham gia học tại trường nghề và được đào tạo trong vòng 2 năm. Chính phủ Nhật Bản quan tâm, hỗ trợ xây nhà ở, phòng trọ giúp các bạn sinh viên gia đình không khá giả tiếp tục được đến trường. Bằng sự nhất quán và hợp tác giữa chính quyền và xã hội, việc xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực tại trường nghề tạo ra một sự thay đổi tích cực lên nền kinh tế Nhật Bản. Phát triển mô hình này cũng đồng nghĩa với việc tư duy về giáo dục theo một cách mới, ở đó bằng cấp không bị đặt nặng thay vào đó kỹ năng nghề nghiệp mới là điều quan trọng nhất.
Giáo sư cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, việc phát huy nội lực quốc gia thông qua phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò cực kỳ cấp thiết. Phát triển kinh tế tư nhân cũng chính là chìa khoá để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực của Việt Nam, GS. Yamada tin rằng Việt Nam còn có thể đóng góp nhiều hơn nữa giá trị của quốc gia để làm nên sự phồn vinh, thịnh vượng cho khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.