TỌA ĐÀM KHOA HỌC: PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU XÂY DỰNG THÀNH PHỐ SÁNG TẠO
Thứ sáu, 13/12/2024 10:12Sáng ngày 12.12, Tổ công tác triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học với chủ đề "Phát triển công nghiệp văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố sáng tạo". Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, học giả đầu ngành, đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu tại TP.HCM. Các nội dung được trình bày và trao đổi trong khuôn khổ của buổi Tọa đàm đã góp phần làm rõ những chiều kích lý luận và thực tiễn của công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trong tương quan với mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành viên mạng lưới Thành phố Sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, nhấn mạnh, công nghiệp văn hóa là yếu tố chiến lược để TP.HCM phát triển kinh tế bền vững và nâng cao vị thế toàn cầu. Ông cho rằng, dù thành phố đã đạt nhiều thành tựu về kinh tế và đô thị hóa, nhưng trong lĩnh vực văn hóa vẫn chưa có sự phát triển tương xứng. Nghị quyết 98/2023/QH15, với việc thí điểm mô hình đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao đã mở ra cơ hội huy động sự sáng tạo từ khu vực tư nhân và cộng đồng, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành Thành phố sáng tạo toàn cầu. Bên cạnh đó, TS. Trần Du Lịch cũng đánh giá cao vai trò của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM cùng lãnh đạo Nhà trường đã có những nỗ lực góp phần định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố.
TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, nhấn mạnh, công nghiệp văn hóa là yếu tố chiến lược để TP.HCM phát triển kinh tế bền vững và nâng cao vị thế toàn cầu - Ảnh: LÝ NGUYÊN
Sau phần phát biểu khai mạc, Ban chủ tọa của Tọa đàm gồm: NSND. ThS. Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM; PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Nhà trường và TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM; đã chủ trì phần báo cáo tham luận và phần thảo luận.
Ban chủ tọa của Tọa đàm khoa học "Phát triển công nghiệp văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố sáng tạo" - Ảnh: LÝ NGUYÊN
Trong Báo cáo đề dẫn GS.TS. Ngô Thị Phương Lan, đã đánh giá tổng quan tiềm năng và định hướng phát triển công nghiệp văn hóa tại TP.HCM. Theo đó, cô nhận định, công nghiệp văn hóa là động lực quan trọng để nâng cao sức mạnh mềm của thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Với lợi thế về lịch sử, văn hóa đa dạng và vị trí địa lý chiến lược, TP.HCM có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố cần xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo lập hệ sinh thái sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, sự tích hợp giữa sáng tạo, nghệ thuật và tư duy kinh doanh trong công nghiệp văn hóa cũng không kém phần quan trọng. Một mặt, các sản phẩm văn hóa cần giữ gìn được bản sắc dân tộc, mặt khác văn hóa cũng phải có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Như thế công nghiệp văn hóa vừa đi cùng phát triển kinh tế, vừa đáp ứng mục tiêu đưa TP.HCM trở thành thành phố sáng tạo tầm cỡ khu vực trong tương lai.
PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Nhà trường, trình bày Báo cáo đề dẫn - Ảnh: LÝ NGUYÊN
Sau phần Báo cáo đề dẫn, GS.TS. Phan Thị Thu Hiền, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, đã trình bày tham luận “Hội tụ trong phát triển công nghiệp văn hóa định hướng xây dựng thành phố sáng tạo (từ lý luận và kinh nghiệm thế giới đến những gợi ý cho Thành phố Hồ Chí Minh)”. Bài tham luận đã nêu bật những vấn đề lý luận và minh họa bằng kinh nghiệm của thành phố Busan (Hàn Quốc) và nhóm nhạc BTS (Hàn Quốc) là những trường hợp thành công, có giá trị tham khảo về tầm quan trọng chiến lược của TAB (Công nghệ - Nghệ thuật – Kinh doanh) và tính hội tụ để xây dựng thành công công nghiệp văn hóa. Chính những nỗ lực từ tất cả các bên liên quan từ chính quyền, doanh nghiệp đến nhân dân đã đưa Busan từ thành phố công nghiệp trở thành thủ đô điện ảnh mới của Hàn Quốc và trở thành thành viên mạng lưới Thành phố Sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, GS. TS. Phan Thị Thu Hiền đã đúc kết những khuyến nghị đến các bên liên quan trên địa bàn TP.HCM, các nhận định này đã nhận được đồng tình và ghi nhận các đại biểu tham dự Tọa đàm.
GS.TS. Phan Thị Thu Hiền, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, trình bày tham luận “Hội tụ trong phát triển công nghiệp văn hóa định hướng xây dựng thành phố sáng tạo (từ lý luận và kinh nghiệm thế giới đến những gợi ý cho Thành phố Hồ Chí Minh) - Ảnh: LÝ NGUYÊN
Từ góc độ là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, trong bài tham luận “Xây dựng thành phố sáng tạo hướng đến phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”, ThS. NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đã chỉ ra những lợi thế và hạn chế của Thành phố trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, một trong những thế mạnh nổi bật của TP.HCM là công nghiệp điện ảnh với những bước phát triển lớn và có tiềm năng cơ thể phát huy. Tuy nhiên để công nghiệp văn hóa TP.HCM có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ThS. NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng chỉ ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ, đặc biệt trong vấn đề hợp tác công tư.
ThS. NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, trình bày tham luận tại Tọa đàm - Ảnh: LÝ NGUYÊN
Trong phần tham luận tiếp theo, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đã đi sâu phân tích tiềm năng và thách thức trong đầu tư công tư theo nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội phát triển thiết chế văn hóa phục vụ công nghiệp văn hóa ở TP.HCM. Ông chỉ ra, mặc dù Nghị quyết này mở ra cơ hội lớn cho việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, nhưng thực tế triển khai vẫn gặp không ít khó khăn. Một trong những thách thức lớn là sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp lý và thực tiễn quản lý, điều này khiến các nhà đầu tư còn e ngại khi tham gia vào các dự án văn hóa. Bên cạnh đó, việc thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án văn hóa cũng là một yếu tố cản trở quá trình phát triển. Tuy nhiên, TS. Trương Minh Huy Vũ cũng nhấn mạnh, nếu có thể giải quyết được các vấn đề này, mô hình đầu tư công tư sẽ tạo ra một nguồn lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời làm phong phú thêm đời sống văn hóa của TP.HCM.
Báo cáo tham luận cuối cùng do ông Nguyễn Sơn, Giám đốc pháp chế Công ty Cổ phần giải trí phát hành phim – rạp chiếu phim Ngôi Sao (Cinestar), đã trình bày về vấn đề “Mở rộng chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với lĩnh vực văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Ông nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng giúp công nghiệp văn hóa phát triển bền vững chính là việc tạo ra các cơ chế tài chính minh bạch, dễ tiếp cận cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông, việc xã hội hóa không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách cho nhà nước mà còn mở ra cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào các dự án văn hóa. Ông cũng đề xuất xây dựng một hệ thống khuyến khích và hỗ trợ từ chính sách, bao gồm cả những ưu đãi về thuế và đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm văn hóa có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc pháp chế Công ty Cổ phần giải trí phát hành phim – rạp chiếu phim Ngôi Sao (Cinestar), trình bày về vấn đề “Mở rộng chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với lĩnh vực văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh” tại buổi tọa đàm - Ảnh: LÝ NGUYÊN
PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cũng đã đóng góp cho tọa đàm tham luận về "Tiềm năng công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh: Từ chiến lược địa phương đến hội nhập quốc tế".
Sau phần báo cáo tham luận, người tham gia và các diễn giả đã cùng trao đổi và thảo luận về các vấn đề liên quan đến chủ đề của buổi tọa đàm.
Trong phần báo cáo tổng kết, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp văn hóa như một yếu tố chủ lực trong chiến lược xây dựng TP.HCM trở thành thành phố sáng tạo. Các ý kiến tại buổi tọa đàm đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, từ đầu tư công nghệ số, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển không gian sáng tạo, đến cải thiện nguồn nhân lực và hạ tầng văn hóa. Ngoài ra, việc lựa chọn lĩnh vực điện ảnh làm trọng tâm gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2025 cũng được nêu bật như một bước tiến chiến lược. Bên cạnh đó, TS. Trương Minh Huy Vũ cũng chỉ ra những thách thức về nguồn lực, cơ sở vật chất, và tính đồng bộ của khung pháp lý, đồng thời khuyến nghị các biện pháp khắc phục để bảo đảm phát triển bền vững. Các ý kiến trình bày và trao đổi trong buổi Tọa đàm được tổ thư ký ghi nhận và tổng hợp thành các kiến nghị để Tổ công tác triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 nghiên cứu tham mưu với các cấp lãnh đạo Thành phố, góp phần vận dụng hiệu quả Nghị quyết trong phát triển công nghiệp văn hóa hướng đến Thành phố Sáng tạo ở TPHCM.
TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, trình bày báo cáo tổng kết tại buổi tọa đàm - Ảnh: LÝ NGUYÊN
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm - Ảnh: LÝ NGUYÊN
Tin và bài dẫn theo: https://hcmussh.edu.vn/news/item/35441

Bài mới hơn
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á ĐỒNG HÀNH CÙNG NGÀY HỘI NHÂN VĂN: KẾT NỐI VÀ LAN TỎA NĂM 2025TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á GÓP PHẦN LAN TỎA TRI THỨC VÀ VĂN HÓA KHU VỰC TẠI YOUTHFEST 2025THAM DỰ HỘI THẢO ĐẦU TƯ VÀO KINH TẾ CHĂM SÓC: GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNGĐÓN TIẾP TS. HUMPREY ARNALDO RUSSEL ĐẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI TRUNG TÂMHỘI THẢO GIAO LƯU HỢP TÁC NÔNG NGHIỆP MỚI THÔNG MINH VIỆT NAM - ĐÀI LOANTHAM DỰ SỰ KIỆN RUNG CHUÔNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚITỌA ĐÀM KHOA HỌC: ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRONG ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂNTHAM DỰ HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2025 CỦA HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM – THÁI LANTIẾP NGÀI ĐẠI SỨ KUNIO TAKAHASHI, VIỆN NGHIÊN CỨU NHẬT BẢNCHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU THỰC ĐỊA TẠI THÀNH PHỐ HUẾ