NGHIÊN CỨU VỀ TÌNH HÌNH ĐÀO TẠO ĐIỀU DƯỠNG VIÊN TẠI VIỆT NAM
Thứ sáu, 29/01/2016 14:01Từ ngày 27-28/08/2015, đoàn nghiên cứu Trường Đại học Hyogo Nhật Bản đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á. Trong chuyến đi này, đoàn nghiên cứu từ hai bên đã hợp tác nghiên cứu tại các trường, trung tâm đào tạo điều dưỡng viên, y tá về vấn đề đào tạo và xuất khẩu lao động nhân công ở ngành này.
Đoàn nghiên cứu của trường Đại học Hyogo gồm Giáo sư Hiroko Kurumai (Trưởng đoàn), Giáo sư Yamada và Cô Kinshi. Với đề tài nghiên cứu về sự thiếu hụt nhân sự trong mảng điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe người già tại Nhật Bản và những giải pháp nhất định để giải quyết tình trạng này, đoàn nghiên cứu đã đến để khảo sát, điều tra về tình hình lao động điều dưỡng viên, y tá tại Việt Nam, nhằm đề ra những hướng đi cụ thể trong việc xuất khẩu lao động Việt Nam trong ngành này sang Nhật Bản.
Là một quốc gia phát triển nhanh, Nhật Bản đã đang tạo ra những bước tiến mới, ổn định và bền vững về nhiều mặt. Tuy nhiên, quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng tỉ lệ sinh ngày càng giảm và cơ cấu dân số ngày càng già hóa. Do đó, với những thiếu hụt về đội ngũ lao động cũng như nhu cầu về điều dưỡng viên dành cho người già ngày càng tăng lên, Nhật Bản đang thực thi những chính sách tích cực cho vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phần dân số chiếm số lượng lớn này ngày càng được quan tâm và chăm sóc ở chế độ đặc biệt nhất với những điều dưỡng viên giàu tay nghề.
Đoàn nghiên cứu đã có dịp được đến 5 trường đào tạo: Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, Trường Trung cấp Bến Thành, Trường Trung cấp Âu Việt, Trường Trung cấp Đông Nam Á và Trường Cao Đẳng Y tế Bình Dương. Các trường đào tạo đã rất nhiệt tình chào đón đoàn nghiên cứu, góp phần giúp cho chương trình nghiên cứu được diễn ra thành công.
Đến với các trường đào tạo, theo nhìn nhận chung về mặt nhân sự, tất cả các sinh viên trong ngành điều dưỡng viên, y tá đều phải trải qua 2 đến 3 năm học tập tại trường và thực tập tại nhiều bệnh viện và viện dưỡng lão. Nhiều sinh viên mong muốn được xuất khẩu lao động sang nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, để có thể nâng cao tay nghề và có được một cuộc sống ổn định về mặt tài chính. Tính đến năm 2014, một trường có thể đào tạo trung bình 100 đến 150 điều dưỡng viên trong một năm, đóng góp rất lớn cho nguồn lao động dồi dào của Việt Nam.
Một số trường như Trường Trung cấp Âu Việt và Trường Trung cấp Bến Thành cố gắng hỗ trợ sinh viên học ngôn ngữ Nhật, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có nguyện vọng sang Nhật Bản để học tập chuyên sâu và làm việc lâu dài. Nhiều trường hợp sinh viên ngành điều dưỡng sang Nhật Bản làm việc rất thành công, được trọng dụng và sinh sống ở những thành phố lớn tại quốc gia này.
Hiện nay, đa số các trường đạo tào có cơ sở vật chất, trang thiết bị rất hiện đại, chuyên dụng dành cho việc đào tạo. Đội ngũ giảng dạy của các trường cũng đến từ các bệnh viên lớn trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như bệnh viện Chợ Rẫy, Hòa Hảo, Nguyễn Tri Phương,…
Các khóa học được tổ chức thường xuyên và nhiều môn học mang tính thực tiễn cao. Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra tại các trường đào tạo này là phải làm thế nào để tạo ra một môi trường đào tạo chuyên nghiệp hơn nữa để góp phần đáp ứng cho nhu cầu lao động ngày cao trong thời kỳ toàn cầu hóa.