BUỔI NÓI CHUYỆN CHỦ ĐỀ: NGUỒN GỐC VÀ BÀI HỌC PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỪ HÀN QUỐC ĐỂ VẬN DỤNG TẠI VIỆT NAM TRONG TƯƠNG LAI
Thứ hai, 30/10/2023 12:10Vào ngày 24/10/2023, theo lời mời của GS. Bae Yang Soo - Trường Đại học Ngoại ngữ Busan, TS. Trần Đình Lâm đã tham gia làm diễn giả cho buổi seminar lớp dịch thuật Hàn - Việt với chủ đề:"Nguồn gốc và bài học phát triển kinh tế từ Hàn Quốc để vận dụng tại Việt Nam trong tương lai".
Với mục đích chia sẻ hiểu biết về các bài học tại Hàn Quốc và Việt Nam, buổi thảo luận thu hút sự tham dự của gần 50 học viên cao học và các cá nhân có quan tâm tại Trường Đại học Ngoại ngữ Busan - Hàn Quốc.
Trong phần trình bày, TS. Trần Đình Lâm đã giới thiệu các mô hình lý thuyết về các nguồn lực phát triển như: vốn, lao động, khoa học công nghệ, tài nguyên thiên nhiên và sự đóng góp của từng nguồn lực vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Trong đó, TS nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt cho mọi sự phát triển.
TS. Trần Đình Lâm đề cập đến các nguyên tắc phát triển của Hàn Quốc, các thành tựu quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng như đưa ra những mô hình mà Việt Nam cần phải học tập cho sự phát triển. TS. Trần Đình Lâm đưa ra bài học Hàn Quốc trong việc thay đổi tư duy để hòa nhập và đưa Hàn Quốc thành nước phát triển theo mô hình làng mới - Saemaul Undong được đưa ra vào năm 1970 để hiện đại hóa kinh tế nông thôn Hàn Quốc. Trong giai đoạn này, mô hình làng mới đã giúp nông thôn Hàn Quốc phát triển tích cực. Sự kết tinh của triết lý thay đổi và sự hợp tác trong cộng đồng làng đã giúp cho kinh tế Hàn Quốc từ nước nghèo vào những năm 1960 - 1970 phát triển thành nước công nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, TS. Trần Đình Lâm cho rằng việc tài trợ cho các mô hình nghiên cứu khoa học công nghệ cũng là một bài học cho Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh phần chia sẻ của TS.Trần Đình Lâm, các học viên tham gia buổi thảo luận đã nhận được nhiều kiến thức bổ ích thông qua phần trao đổi cuối giờ. Phần lớn người tham gia đều đặt mối quan tâm đến vấn đề việc làm và thu nhập ở Việt Nam. Họ mong muốn TS. Lâm đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề tương xứng giữa chi phi học tập nước ngoài và thu nhập mang lại trong nước. Đối với vấn đề này, TS. Lâm đã đưa ra nhiều giải pháp như: các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất và phát triển hàng hóa chất lượng cao nhằm mang lại lợi nhuận nhiều hơn để trả chi phí xứng đáng cho người lao động; chính phủ cần tuyển chọn nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn cao, tập trung giúp các doanh nghiệp phát triển, tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm. TS. Lâm cũng đề cập đến bài học của thị trường lao động Philippines và sự thiếu hụt lao động do tỷ lệ sinh thấp ở các quốc gia phát triển nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của nội lực quốc gia và sự hợp tác phát triển quốc tế để Việt Nam có thể học hỏi và vượt lên thu nhập trung bình
Buổi trò chuyện đã mang lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích, góp phần củng cố và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa học giả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.