ASEAN LẮNG NGHE GIỚI TRI THỨC
Thứ ba, 23/03/2021 15:03Vào tháng 2 năm 2020, trước khi có đại dịch Covid-19, tôi được mời đến tham dự “Hội nghị về quan hệ ASEAN - Vương quốc Anh trong cấu trúc khu vực đang thay đổi” diễn ra tại trụ sở Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, thủ đô Jakarta, Indonesia, cùng với các nhà nghiên cứu đến từ Vương quốc Anh và đại diện Viện nghiên cứu của các trường Đại học trong khu vực.
Các Đại sứ của các nước tại ASEAN
Mở đầu hội nghị, Ngài Jon Lambe - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Anh tại ASEAN đã đề cập đến lịch sử giao thương hơn 400 năm giữa Vương quốc Anh và khu vực Đông Nam Á. Cho đến ngày nay, Vương quốc Anh mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, thương mại, trao đổi văn hóa với cộng đồng.
Theo Nhà nghiên cứu Dedi Dinarto - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, để giúp cho Vương quốc Anh xích lại gần ASEAN hơn, trước đây Anh đã đưa ra lập trường mạnh mẽ chống lại yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, ngày nay nên thông qua ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế ủng hộ mạnh mẽ hơn lập trường của Việt Nam với tư cách là một bên yêu sách về xung đột Biển Đông – ASEAN, cũng như duy trì môi trường hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
Tôi thật sự ấn tượng khi GS. Alan Collins – Trường Đại học Swansea, cho rằng ASEAN cần định hướng phát triển con người, lấy con người làm trung tâm, tạo ra các quy tắc dựa trên cơ sở những quy định và đặc điểm chung. Để thể hiện khát vọng xây dựng cộng đồng, ASEAN cần trao quyền tự quyết cho mọi người, ở đó vai trò của các doanh nhân tài năng được tôn vinh và tạo điều kiện nhiều hơn cho họ tham gia xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết và thịnh vượng.
Còn TS. David Martin Jones – Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, trường Đại học Hoàng gia London, lại đề cập đến tầm quan trọng ngày càng cao đối với lợi ích an ninh – kinh tế của Vương quốc Anh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Những lợi ích trên đã mang đến cho Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu cơ hội kinh tế và đầu tư. Các quốc gia phát triển và đang phát triển trong khu vực cần có sự tôn trọng lẫn nhau cũng như tuân thủ những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cùng nhau chia sẻ không gian trên vùng biển Đông Nam Á.
Trong khi đó, ThS. John Harley Breen – Chuyên gia phân tích nghiên cứu tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Kinh tế London và Trung tâm Đông Nam Á Saw Swee Hock nêu lên sự đóng góp của Vương quốc Anh đối với an ninh và trật tự trong khu vực, bao gồm cả sự hiện diện liên tục của hải quân trong vùng biển của ASEAN gần đây. Vương quốc Anh đã đóng góp cho an ninh, trật tự của khu vực Đông Nam Á với tư cách là một thành viên ngoài EU, tương tự như trạng thái trung lập của ASEAN đối với các cường quốc trên thế giới.
Cả hội trường rất phấn khích khi TS. Oliver Turner – Khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế, trường Đại học Edinburgh tiếp tục đề cập đến vị trí của Vương quốc Anh với tư cách là thành viên chủ chốt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đã ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN. Qua đó giúp ASEAN có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Vị trí chủ chốt trong các tổ chức quốc tế tạo điều kiện cho Vương quốc Anh hỗ trợ các quốc gia hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Vương quốc Anh khẳng định vai trò trong khu vực và trên thế giới bằng cách tái thiết lập luật lệ về các vấn đề như thông tin, luật pháp trên vùng biển Đông Nam Á, vi phạm bản quyền, bảo vệ môi trường và an ninh mạng.
Tương tự như vậy, GS. Randy W. Nandyatama, trường Đại học Gadjah Mada, Indonesia cho rằng ASEAN đã chậm trễ trong việc thể hiện một nỗ lực phối hợp nhằm giải quyết xung đột trên biển Đông. Theo giáo sư, ASEAN nên có một cuộc cải cách cẩn trọng trong các quy tắc hướng đến gắn kết nội bộ và nâng cao vị thế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Một góc nhìn khác từ giáo sư Sameer Kumar, Đại học Malaya, Malaysia, cho biết muốn hấp dẫn được dòng tài chính từ bên ngoài vào ASEAN thì từng thành viên cần cải thiện thể chế, xây dựng một hệ thống pháp luật ổn định, cần minh bạch về thuế và ít hoặc không có tham nhũng. Giáo sư cũng nhấn mạnh Vương quốc Anh cần phải hiện diện thường xuyên các vùng biển Châu Á để duy trì sự an toàn của vùng biển, tránh làm lệch hướng các lợi ích.
Còn theo Bà PICH Charadine, Viện nghiên cứu Hợp tác và Hòa bình, Campuchia, rõ ràng các nước đã đồng thuận “Quy tắc ASEAN” về một nền tảng dựa trên quy tắc trật tự khu vực để tuân thủ, vậy nên tham vấn và hợp tác, đối thoại hơn là đối đầu. Cần chuyển hướng sang một trật tự dựa trên luật lệ không bị áp lực của bên ngoài để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN với cộng đồng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tiếng nói của các nhà nghiên cứu kêu gọi xây dựng môi trường hoà bình và tôn trọng luật pháp quốc tế trên vùng biển Đông Nam Á. Các thành viên cùng nhau xây dựng triết lý phát triển vì sự thịnh vượng chung, cắt giảm chi phí cho quốc phòng, tăng cường đầu tư vào giáo dục nhằm phát huy yếu tố quyền lực mềm, duy trì sức mạnh của Luật pháp trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng tầm nhìn lâu dài, phát triển bền vững cho các nước ASEAN. Bài học của Singapore với vai trò của thủ tướng Lý Quang Diệu được xem như mô hình tham khảo về sự thượng tôn pháp luật, kỷ cương của người lãnh đạo đối với con đường phát triển của mỗi quốc gia. Mô hình giáo dục của Vương quốc Anh đã đào tạo nên những người lãnh đạo tâm huyết, tập trung xây dựng nguồn nhân lực thông qua giáo dục - đào tạo và thành quả là xây dựng được nền kinh tế Singapore giàu mạnh như hiện nay.
GS. Darfri Agussalim - trường Đại học Gadjah Mada đã nêu lên cảm kích của mình về tư duy mới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), về việc mời đoàn nghiên cứu, tổ chức trao đổi, giao lưu các chuyên gia trong Hiệp hội. Giáo sư mong rằng tư duy tuyệt vời ấy sẽ ngày càng lan tỏa đến thế hệ trẻ sau này - những con người giàu bản lĩnh, thành thạo kỹ năng, có năng lực hoạch định chính sách và khả năng lãnh đạo đất nước. Giáo sư Darfri cũng đánh giá cao sự trao đổi thẳng thắn của các giáo sư đến từ Vương quốc Anh và các nhà nghiên cứu Đông Nam Á. Sự am hiểu văn hóa, tôn trọng lẫn nhau và thượng tôn luật pháp sẽ tạo nên sự gắn kết, cùng nhau xây dựng một thị trường năng động, chung sống hòa bình và đem lại hạnh phúc thật sự cho người dân của từng quốc gia trong khu vực.
Bài học cho ASEAN là Covid-19 không loại trừ một ai. Cả thế giới đang đương đầu với đại dịch, cần có tư duy mới xây dựng môi trường lành mạnh, tôn trọng lẫn nhau, duy trì mối quan hệ hợp tác thân thiện giữa các thành viên trong cộng đồng, tránh chia rẽ gây hiềm khích làm suy yếu nội lực. Thực tế thành công của Việt Nam trong quá trình chống đại dịch đó là sự công khai minh bạch, “đồng tâm hiệp lực” vì cộng đồng. Mọi người đều gương mẫu chấp hành những quy định của luật pháp, không loại trừ bất cứ một ai. Khi thông tin về dịch bệnh được công bố, mọi người trong mỗi gia đình, từng địa phương, cơ quan ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương đều hợp tác chống lại dịch bệnh. Nhờ sự quyết tâm đó, Covid-19 cho đến nay vẫn còn được kiểm soát tích cực trong lãnh thổ Việt Nam. Kinh tế năm 2020 tăng trưởng 2.9% trong khi cả thế giới gần như tăng trưởng âm. Thực tế ở Việt Nam cũng để cho các nhà hoạch định chính sách suy ngẫm cho tương lai cộng đồng ASEAN về sự đoàn kết, hợp tác cùng chung sức, xây dựng thị trường chung trên nhiều lĩnh vực, hướng đến một ASEAN hòa bình và thịnh vượng, tránh xung đột không đáng có, vì mục tiêu đem lại cuộc sống hạnh phúc thật sự cho mọi người dân trong toàn xã hội.
TRẦN ĐÌNH LÂM
Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh
(*) Đăng trong Tạp chí Đông Nam Á - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Khoa học Đông Nam Á, ISSN: 2354 - 0699