BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ: KHAI THÁC VÀ THƯƠNG MẠI HOÁ: ĐÁNH GIÁ NGHIÊN CỨU, THÀNH LẬP CÁC CÔNG TY SPIN-OFF
Thứ hai, 02/07/2018 11:07Ngày 29/06/2018, buổi báo cáo chuyên đề “Khai thác và thương mại hoá: Đánh giá nghiên cứu, Thành lập các công ty spin-off” với diễn giả Trần Văn Liêng, Chủ tịch/Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ca Cao Việt Nam (Vinacacao) đã diễn ra tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM.
Buổi báo cáo diễn ra tốt đẹp với sự tham dự của đông đảo khách mời đến từ các cơ quan, cơ sở và ban ngành khác nhau.
*spin-off: công ty triển khai các kết quả nghiên cứu của nhà khoa học do chính nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu
Buổi báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á phối hợp tổ chức, dựa trên sự điều phối và hướng dẫn từ Trường Đại học Alicante (Tây Ban Nha) và tài trợ chi phí bởi Quỹ Erasmus+ của Liên minh châu Âu.
Buổi báo cáo nằm khuôn khổ dự án ENHANCE – Nâng cao Năng lực Nghiên cứu và Đổi mới cấp Quốc gia ở Việt Nam. Đây là một trong sáu báo cáo diễn ra tại Trường ĐH KHXH&NV (28-29/06), Trường Đại học Thủ Dầu Một và Đại học Vinh (mỗi trường đảm nhiệm thực hiện hai buổi báo cáo).
Mở đầu buổi tập huấn là bài phát biểu của TS. Trần Đình Lâm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á. Ông giới thiệu về chương trình ENHANCE, mục tiêu mong muốn đạt được trong buổi báo cáo lần này, cũng như niềm vinh dự của Trường và Trung tâm khi được đón tiếp quý khách mời. Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ về buổi báo cáo chuyên đề “Quản lý nghiên cứu: Tạo các hồ sơ năng lực nghiên cứu, cấu trúc của văn phòng chuyển giao tri thức, các chiến lược kết nối doanh nghiệp” diễn ra một ngày trước đó.
Buổi báo cáo diễn ra sôi nổi với sự góp mặt của đông đảo thầy cô, nghiên cứu sinh, và sinh viên đến từ sở, viện, trường và trung tâm nghiên cứu hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Nhờ sự đa dạng trong ngành nghề hoạt động và đề tài nghiên cứu của khách tham dự đã giúp trả lời câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, ý kiến trở nên thú vị và đa chiều hơn.
Diễn giả Trần Văn Liêng, Chủ tịch/Tổng Giám Đốc công ty Cổ phần Ca Cao Việt Nam (Vinacacao).
Lôi cuốn quý khách mời đến với buổi hội thảo nhất chính là sự hiện diện của diễn giả Trần Văn Liêng, Chủ tịch/Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ca Cao Việt Nam.
Ông Liêng không chỉ trình bày, đánh giá các nghiên cứu, cách thức thành lập các công ty spin off, mà còn chia sẻ về kinh nghiệm và thách thức về việc thành lập, điều hành công ty. Bên cạnh đó, ông giới thiệu mô hình SWOT (Strengths, weaknesses, opportunities and threats) giúp các công ty khởi nghiệp, công ty spin-off đánh giá được đúng vị thế của mình để từ đó vươn ra thế giới phát triển.
Hơn thế nữa, từ kinh nghiệm của bản thân, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đóng góp cho cộng đồng. Bản thân ông đã tổ chức cuộc thi Rookie để những thí sinh thắng giải có cơ hội đến Hàn Quốc, mở mang tư duy và thay đổi thái độ, cách nhìn nhận cuộc sống.
Tham dự buổi hội thảo, học viên đã được nâng cao kiến thức về việc thực hiện và công tác quản lý nghiên cứu khoa học để có thể đổi mới và sáng tạo tốt hơn. Qua phần chia sẻ của ông Trần Văn Liêng, khách tham dự đã hiểu được những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thành lập và phát triển các đơn vị spin-off, đặc biệt trong môi trường nghiên cứu và học thuật.
TS. Ngô Thanh Loan - giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - chia sẻ về sự kết nối của doanh nghiệp và nhà trường.
Phần thứ hai của hội thảo báo cáo chuyên đề là phần giải đáp câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến của quý khách tham dự. Có nhiều vấn đề thú vị được đặt ra, trong đó nổi bật là ý kiến của TS. Loan, giảng viên Bộ môn Du lịch của Nhà trường.
Cô đặt ra vấn đề “lãng phí” trong việc đào tạo sinh viên. Nhà trường dành đến bốn năm đào tạo nhưng khi các bạn sinh viên mới tốt nghiệp đi làm tại các cơ quan, doanh nghiệp, vẫn cần được “đào tạo lại”. Ông Liêng bày tỏ sự quan tâm khi nhà trường quan tâm đến các sinh viên, chất lượng đào tạo, cũng như hiệu quả đào tạo đối với các doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp không cần đào tạo lại, mà cần đào tạo các kĩ năng và thái độ làm việc” – Chủ tịch công ty Cổ phần Ca Cao Việt Nam đã khẳng định. Ông nói thêm về tầm quan trọng của việc nhà trường cần cho sinh viên làm những việc họ “không muốn làm” để tập cho họ thói quen ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
TS. Trần Đình Lâm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á
Kết thúc buổi báo cáo là bài phát biểu của TS. Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á. Tiến sĩ bày tỏ sự cảm kích và lòng biết ơn đến với ông Trần Văn Liêng và toàn thể quý khách mời đến tham dự buổi hội thảo. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự kết nối doanh nghiệp và nhà trường trong việc đào tạo sinh viên, cũng như để cho nghiên cứu khoa học trở nên thực tế hơn với nhu cầu của xã hội.
Buổi báo cáo chuyên đề diễn ra thuận lời với sự tham dự và đóng góp của đông đảo quý khách mời đến từ các cơ quan, báo đài và cơ sở khác nhau.
Đường dẫn đến clip chiếu trên HTV: https://drive.google.com/file/d/1StKjE1KT2SmFCm79dJvpD_cEnSekwDJq/view?usp=drive_web