CHƯƠNG TRÌNH TỔNG KẾT DỰ ÁN ENHANCE
Thứ tư, 10/10/2018 16:10Buổi Tổng kết Dự án ENHANCE – Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới cấp Quốc gia ở Việt Nam đã diễn ra vào ngày 19 và 20/9, tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM.
Chương trình có sự tham gia của quý lãnh đạo các trường đại học, chuyên gia, nhà nghiên cứu từ Việt Nam và châu Âu, cùng đông đảo các thầy/cô giáo và sinh viên Nhà trường.
Phía châu Âu có sự tham dự đặc biệt của TS. Manuel Palomar - Hiệu trường Trường ĐH Alicante (Tây Ban Nha), TS. Roberto Escarré - Giám đốc Văn phòng Quản lý Dự án Quốc tế (Trường ĐH Alicante), Bà Olga Bloshchinska – Điều phối viên Dự án (Trường ĐH Alicante), cùng đại diện của Trường ĐH Glasgow Caledonian (Scotland) và Trường ĐH Công nghệ Slovak (Slovakia).
Về phía Việt Nam, chương trình đã đón tiếp PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM; TS. Phan Thanh Định – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Ông Hoàng Văn Tuyên – Phó Trưởng ban, Ban Chính sách Nhân lực và Tổ chức KH&CN; Ông Trần Văn Liêng – Chủ tịch/Tổng giám đốc Công ty VINCACAO; Ông David Ngô – Phó Chủ tịch Công nghệ, Saigon Silicon City; GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ; GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội; PGS.TS Lê Văn An - Hiệu trưởng Trường ĐH Huế; GS.TS Đặng Văn Minh - Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên; PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang; ThS. Nguyễn Thị Nhật Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một; TS. Khổng Trung Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, cùng nhiều đại biểu khác.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan bày tỏ sự cảm kích trước những giúp đỡ của các trường đại học châu Âu trong các dự án khác nhau suốt 15 năm cho sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam. Ngoài ra, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho rằng Dự án ENHANCE là cơ hội để đại diện châu Âu khám phá và thấu hiểu hơn về hệ thống giáo dục Việt Nam, từ đó xây dựng những chương trình hợp tác thích hợp trong tương lai.
TS. Nguyễn Duy Mộng Hà, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng (Trường ĐH KHXH&NV), giới thiệu về sự thành lập Mạng lưới ENHANCE. Mục tiêu của Mạng lưới là kết nối và tăng cường trao đổi trong hệ thống giáo dục đại học (HEIs) Việt Nam để quản lý và thực hiện R&I hiệu quả hơn.
ThS. Văn Thị Nhã Trúc, Quyền trưởng Bộ môn Văn hóa và Văn học Anh-Mỹ (Trường ĐH KHXH&NV), trình bày những đề xuất nhằm nâng cao công tác quản lý và thực hiện R&I cho HEIs. Những giải pháp đặt ra cho cả 2 nhóm đối tượng: các đơn vị HEIs và cơ quan quản lý HEIs và quản lý khoa học công nghệ.
Minh họa công cụ tập huấn online
Tọa đàm về Tương lai của R&I tại Việt Nam
Phần tọa đàm có sự tham dự trao đổi của Ông Hoàng Văn Tuyên, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách Nhân lực và Tổ chức Bộ KH&CN; Ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch/Tổng giám đốc Công ty VINCACAO; Ông David Ngô, Phó Chủ tịch Công nghệ, Saigon Silicon City.
Về phía cơ quan quản lý khoa học công nghệ, Ông Hoàng Văn Tuyên chia sẻ Bộ KH&CN đang tiến hành xây dựng những đơn vị R&I trong HEIs, đẩy mạnh “tự do học thuật” và “tự chủ” trong nghiên cứu, đồng thời vận động gây quỹ tài trợ, nâng cấp cơ sở vật chất để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà nghiên cứu. Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy mạnh xây dựng các kênh kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, và nhà trường với nhau.
Ông Trần Văn Liêng, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, mong muốn kết quả nghiên cứu khoa học sẽ mang đến lợi ích và hiệu quả thực tế cho các doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, VINCACAO cũng định hướng để phát triển “hệ sinh thái” tập trung các nghiên cứu khoa học, nguồn đầu tư và hoạt động thương mại hóa.
Ông David Ngô đề cập đến vấn đề bằng sáng chế. Ông ví dụ một chiến lược lập kế hoạch sáng chế nhằm gia tăng cơ hội thương mại hóa ý tưởng và nghiên cứu. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra những ý kiến về khả năng ứng dụng sáng chế để phát triển công ty spin-off(*) trở thành một startup thật sự.
Trong phát biểu tổng kết chương trình, TS. Phan Thanh Định một lần nữa cảm ơn sự hỗ trợ từ phía các trường đại học châu Âu. Ông đánh giá cao sự hợp tác, nỗ lực làm việc của tất cả thành viên Dự án ENHANCE. Ngoài ra, Ông cũng kỳ vọng các trường đại học Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác trong những dự án nghiên cứu quốc tế tương tự.
(*) Hay còn gọi là university spin-off company hoặc technology spin-off company. Công ty công nghệ spin-off được hiểu là các công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh, và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu. Công ty này phát triển và sản xuất sản phẩm từ công nghệ được phát triển bởi nhà nghiên cứu, và bán sản phẩm ra thị trường thông qua các kênh phân phối thích hợp. Hoặc ở quy mô thấp hơn, công ty spin-off có thể là một kênh trung gian để tiếp tục phát triển công nghệ nhằm chuyển giao tới các doanh nghiệp sản xuất lớn hơn. (Nguồn: https://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2183037/cong-ty-spin-off-la-gi)
Về Dự án ENHANCE Dự án ENHANCE (tên đầy đủ: strEngthening National researcH And iNnovation Capacities in viEtnam), tên tiếng Việt là Tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới cấp Quốc gia ở Việt Nam. Dự án do Quỹ Eramus+ của Liên minh châu Âu tài trợ, được điều phối chính bởi Trường ĐH Alicante (Tây Ban Nha) và hai trường đại học khác ở châu Âu là Trường ĐH Glasgow Caledonian (Scotland) và Trường ĐH Công nghệ Slovak (Slovakia). Dự án nhằm xây dựng cấu trúc hoạt động ở cấp vĩ mô trong việc quản lý và thực hiện nghiên cứu và đổi mới (R&I) ở hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Dự án đồng hành cùng các chương trình trọng điểm quốc gia lấy R&I làm chủ đạo cho giai đoạn trung và dài hạn, đồng thời thiết kế các hoạt động đáp ứng nhu cầu thực tế của Việt Nam. Dự án tiến hành từ 2016-2018, có sự phối hợp của Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN và được triển khai tại 6 trường đại học Việt Nam gồm: Trường ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HN, Trường ĐH Nông Lâm Huế, Trường Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, Trường ĐH An Giang và Trường ĐH Cần Thơ. Website chính thức của Dự án: http://www.project-enhance.eu |