''KHỞI NGHIỆP BẰNG XUẤT KHẨU CHUỐI'' CHỈ CÓ THỂ LÀ HUY LONG AN
Thứ tư, 25/11/2020 18:11Ông Võ Quan Huy, hay người dân quen gọi là ông Út Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, từ lâu đã nổi tiếng là một tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực xuất khẩu chuối. Với mô hình nông nghiệp sạch, ông Huy Long An đã xuất khẩu thành công hàng chục ngàn tấn chuối mỗi năm sang các thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Ông Út Huy chia sẻ câu chuyện
Sau khi tham dự: “Lễ ký kết mạng lưới hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp” tại Hà Nội trong khuôn khổ dự án V2WORK, TS. Phan Thanh Định – Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH & NV TP.HCM đã tổ chức chuyến tham quan thực tế nông trường tại tỉnh Long An của ông Út Huy cho 80 sinh viên khoa Địa lý, nhằm mục tiêu tiếp lửa cho tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của các bạn sinh viên. Chuyến đi diễn ra vào ngày 07/11/2020 với sự tham gia của TS. Phan Thanh Định – Trưởng đoàn, TS. Lê Thanh Hòa – Trưởng Khoa Địa lý, TS. Trần Đình Lâm – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Th.S Nguyễn Võ Hoàng Mai – Giám đốc Công ty Du lịch Văn Khoa, cùng các thầy cô trong Khoa Địa lý trường ĐH KHXH & NV TP.HCM.
TS. Phan Thanh Định (bên trái) và Ông Huy (bên phải) trao đổi
Trong buổi tham quan, đoàn được gặp trực tiếp ông Út Huy lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp của ông từ những ngày đầu cho đến khi xây dựng được cơ nghiệp trong nhiều lĩnh vực như hiện nay. Ông “Vua chuối” Long An cho biết ông xuất thân từ nhà nông chính hiệu với một tuổi thơ khó khăn từ năm 16 -17 tuổi đã đi lái máy cày thuê. Ông luôn tích lũy kinh nghiệm từ những công việc làm thuê và tâm niệm bản thân một ngày nào đó có thể độc lập, tự khởi nghiệp với những gì mình đang có. Từng thất bại nhiều lần khi khởi nghiệp với các giống cây trồng như cao su, mía, đường,… và trả giá đắt cho những lần làm ăn thua lỗ, nhưng đúng với tinh thần: “Thua keo này, bày keo khác”, ông đã học hỏi được bài học xương máu từ những sai lầm đó.
Cũng chính nhờ ý chí vươn lên khó khăn, liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức cũng như tôi luyện đạo đức nghề nghiệp, mà ông Út Huy đã tìm ra con đường đến với cây chuối – loài cây mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho công ty. Chưa dừng lại ở việc tự làm giàu cho bản thân, ông quyết định mở rộng mô hình hợp tác với người nông dân vừa tăng thêm quy mô đất, vừa nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương. Hiện nay, tổng diện tích vườn chuối tại Long An và Tây Ninh của ông lần lượt là 30 – 40 ha và 70 ha. Mỗi héc-ta đất trồng chuối lợi nhuận thu về là 100 – 250 triệu/năm.
Bên cạnh đó, ông Huy Long An rất quan tâm đến chất lượng cũng như quy trình làm ra một sản phẩm chất lượng. Vì mô hình nông nghiệp sạch đang được áp dụng tại vườn chuối, ông quyết định đầu tư nuôi thêm 2000 con bò để xây dựng mô hình khép kín, thân thiện với môi trường. Theo đó, thân và cùi chuối sẽ được mang cho bò ăn, phân bò sẽ được xử lý theo quy trình và trở thành phân vi sinh để bón ngược lại cho cây chuối. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ như vậy mà chuối xuất khẩu được các nước đánh giá cao về chất lượng. Ông tự hào chia sẻ Nhật Bản đã thích thú khi đến tận nơi xem mô hình nông nghiệp sạch của ông và mang về Nhật Bản quảng cáo mô hình này.
Buổi tham quan thực tế vườn chuối tại tỉnh Long An là cơ hội cho các bạn sinh viên học hỏi cũng như có cái nhìn chân thực hơn về những khó khăn, thách thức khi khởi nghiệp điển hình như ông Út Huy. Ở một khía cạnh khác, các thầy cô mong muốn thúc đẩy tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, thay đổi tư duy về khởi nghiệp của những người trẻ tuổi đang ngồi trên giảng đường.
Cả đoàn chụp ảnh lưu niệm kết thúc chuyến tham quan