GIỚI THIỆU VỀ ARIYA NGƯỜI CHĂM BÌNH THUẬN
Thứ ba, 25/10/2022 09:10PGS.TS. Thành Phần
Người Chăm[1] là một trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam[2]. Đây là cư dân bản địa thuộc loại hình nhân chủng Indonesien[3], có mối quan hệ gần gủi với hệ ngôn ngữ Austronesian (thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polynesian)[4]. Do trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, cộng đồng tộc người Chăm ngày nay phân bố cư trú phân tán nhiều khu vực khác nhau như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Châu Đốc, Tây Ninh, Long Khánh, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hoá cổ xưa mang nhiều bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống thể hiện qua tín ngưỡng – tôn giáo của họ. Vì vậy, chúng tôi giới hạn phạm vi bài viết này chủ yếu trong cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Chăm ở Việt Nam có dân số khoảng 178.948 người có mặt tại 18 tỉnh, thành trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, cộng đồng người Chăm tập trung cư trú đông nhất ở tỉnh Ninh Thuận với số dân 67,517 người, chiếm 37.73% toàn bộ người Chăm ở Việt Nam.
Riêng tại tỉnh Bình Thuận cũng là nơi có người Chăm tập trung sinh sống đứng hàng thứ hai sau Ninh Thuận với số dân khoảng 39,557 người, chiếm 22.11% toàn bộ người Chăm ở Việt Nam. Trong đó tập trung nhiều nhất là ở vùng nông thôn khoảng 35.632 người (17.505 nam, 18.127 nữ). Còn ở khu vực thành thị có khoảng 3.925 người Chăm (1.932 nam, 1.993 nữ). Ở nông thôn đa số tập trung sinh sống ở các huyện như huyện Tuy Phong, huyện Bắc Bình, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam, huyện Hàm Tân và huyện Tánh Linh. Một số ít còn lại sống xen kẽ với các tộc người khác tại địa phương trong tỉnh[5].
Theo nguồn của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, tính đến ngày 30/6/2020, tổng dân số của dân tộc Chăm ở tỉnh Bình Thuận có khoảng 40.592 người (9.267 hộ gia đình) phân bố ở các huyện Tuy Phong (5.767 người), huyện Bắc Bình (23.467 người), huyện Hàm Thuận Bắc (5.769 người), huyện Hàm Thuận Nam (1.125 người), huyện Hàm Tân (1.884 người) và huyện Tánh Linh (2.077 người).
Tài liệu được biết sớm nhất về người Chăm là vào đầu thế kỷ XIX. Vào thời kỳ này, các công trình nghiên cứu về tộc người Chăm không nhiều, nhất là về các đề tài liên quan đến văn hóa dân gian của người Chăm nói chung, đặc biệt là văn học, văn chuong, thơ ca ở Bình Thuận hầu như rất hiếm. Đến nửa đầu thế kỷ XX, mới bắt đầu tiến hành nghiên cứu về người Chăm một cách có khoa học. Mặc dầu vậy, những kết quả nghiên cứu đã được in thành sách hoặc công bố trên các tạp chí có uy tín trên thế giới vẫn chưa được nhiều. Đến năm 1945 mới bắt đầu xuất hiện một số công trình nghiên cứu bằng tiếng Việt về người Chăm. Nhất là, từ sau năm 1975 đến nay, để thực hiện chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc Việt Nam của Đảng và Nhà nước, các công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm ngày càng xuất bản nhiều hơn. Tuy nhiên, các công trình công bố xuất bản từ trước tới nay hầu như chỉ tập trung quan tâm nghiên cứu về người Chăm ở vùng Ninh Thuận nhiều hơn ở Bình Thuận. Đặc biệt là về Ariya ở tỉnh Bình Thuận hầu như chưa thấy công trình chuyên khảo nào quan tâm nghiên cứu đến[6].
Trước đây, Ariya được sáng tác, truyền thụ và lưu truyền từ đời này sang đời khác như là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần phổ biến không thể thiếu được đối với cộng đồng tộc người Chăm. Nhưng ngày nay, trước sự tác động ảnh hưởng bởi môi trường xã hội hiện đại và sự lấn át bởi nền văn hóa phương Tây, đời sống sinh hoạt cộng đồng đang biến đổi nhanh theo lối sống hiện đại, thế hệ trẻ ngày nay không có điều kiện và cơ hội để tiếp nhận và lưu truyền loại hình này. Đây là một trong những nguyên nhân làm Ariya không còn được sáng tác phổ biến và hát ngâm thường xuyên như trước đây, mà ngược lại đang ngày càng có nguy mất dần.
Trong tương lai không xa, nếu không tiến hành sưu tầm và nghiên cứu kịp thời, những tài sản vô giá này sẽ cùng với những già làng và các nghệ nhân cao tuổi ra đi mãi mãi, không có cơ hội để cứu vớt những gì còn xót lại. Xuất phát từ tình hình trên, việc quan tâm nghiên cứu về Ariya của tộc người Chăm ở tỉnh Bình Thuận mang nhiều ý nghĩa khoa học và có giá trị thực tiễn cao.
Trong phạm vi bài viết này, chủ yếu tập trung giới thiệu về Ariya và thực trạng hiện nay nhằm góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông truyền lại.
1. Khái niệm về Ariya
Ariya là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit của Ấn Độ. Theo tiếng Sanskrit, Ariya có nghĩa là thánh thiện, cao quý. Trong từ điển Dictionnaire Căm – Vietnamien – Francais của Gérard Moussay do Trung tâm Văn hóa Chăm Phan Rang xuất bản vào năm 1971 (trang 14) dịch Ariya a%r{y% là thơ ca (poésie)[7]. Còn trong Dictionnaire Čam – Francais của Aymonier E. - Cabaton A. do Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (École Francase Extreme Orient) xuất bản vào năm 1906 dịch Ariya là câu thơ, thơ ca, lịch sử, truyền thuyết, huyền thoại (vers, poésie, histoire, légende)[8].
Đi sâu nghiên cứu về Ariya trên thực tế trong cộng đồng của người Chăm, chúng tôi nhận thấy rằng, khi người Chăm vay mượn thuật ngữ Ariya từ tiếng Sanskrit của Ấn độ để sử dụng trong văn học Chăm, ý nghĩa của Ariya không còn hiểu theo nghĩa hẹp.
Ariya là một loại văn chương của dân tộc Chăm được sáng tác dưới dạng thể thơ bằng văn tự akhar thrah dùng để hát ngâm và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ariya là một loại hình văn học dân gian thuộc thể loại thơ ca chứa đựng nhiều nội dung phong phú, đa dạng và đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người Chăm[9].
Đây là một loại hình thơ ca thể hiện theo nhiều hình thức khác nhau. Loại hình này hiện vẫn còn lưu giữ ở trong cộng đồng người Chăm ở tỉnh Bình Thuận. Nội dung của Ariya là những câu chuyện phản ánh nguồn gốc lịch sử hình thành xã hội tộc người, các biến cố lịch sử trong quá trình chuyển cư, lập làng, hành vi ứng xử giữa con người với nhau trong xã hội, cuộc sống gia đình, tình yêu đôi lứa nhằm giáo dục và phê phán đối với mọi tầng lớp trong xã hội của cộng đồng tộc người Chăm từ xưa đến nay.
Ariya còn là kho tàng tri thức quí hiếm chứa đựng nhiều nội dung phong phú cung cấp nguồn tư liệu quí giá cho việc nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, xã hội, tình yêu và giáo dục của tộc người Chăm ở tỉnh Bình Thuận.
2. Hình thức thể hiện thơ ca Ariya
Khi nói đến hình thức thể hiện thơ ca của các dân tộc anh em sinh sống trên dãy Trường Sơn Tây Nguyên, như Hari của người Raglai, Khan của người Êđê, Hơmon của người Bahnar v...v... thường chỉ nói đến hát ngâm. Các bài Khan, Hơmon chủ yếu là hát ngâm và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhờ trí nhớ của những nghệ nhân qua hình thức hát kể truyền khẩu và tự bổ sung hoặc sáng tác thêm trong cuộc sống hàng ngày bởi những người đương thời.
Riêng loại hình Ariya của người Chăm, không chỉ thể hiện bằng hát ngâm và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhờ trí nhớ của những nghệ nhân qua hình thức hát ngâm truyền khẩu mà còn thể hiện bằng văn bản bằng cách ghi chép thành các văn bản chữ Chăm để lưu giữ các Ariya đã sáng tác hoặc ghi chép lại các Ariya đã thuộc lòng. Vì vậy, đối những người yêu thích Ariya, họ cũng thường hay đi mượn các văn bản Ariya mà họ yêu thích sao chép lại thành các bài Ariya dùng để hát ngâm. Do đó, khi nghiên cứu về Ariya, trước tiên không thể không nói đến các văn bản chữ Chăm lưu giữ Ariya và hát ngâm Ariya.
2.1. Văn bản chữ Chăm lưu giữ Ariya
Văn bản chữ Chăm lưu giữ Ariya khá là đặc biệt. Các bài Ariya ít thấy đóng thành một tập riêng cho từng bài. Đa phần, các bài Ariya thường viết xen lẫn với nội dung thuộc nhiều chủ đề khác nhau.
Trong quá trình khảo sát trên thực tế, chúng tôi nhận thấy các văn bản chữ Chăm còn lưu giữ trong gia đình thường họ để chung với nhau, không có sự phân loại theo chủ đề của từng tập văn bản. Trên các bìa của tập văn bản thường để trống, rất hiếm thấy ghi thông tin liên quan đến nội dung ở trong tập văn bản. Đặc biệt là không có ghi mục lục để thuận lợi cho việc tra tìm Ariya ở trong văn bản.
Ngày nay, các văn bản gốc Ariya nguyên bản do chính người sáng tác viết đã bị thất lạc và mất mát khá nhiều. Do đó, các bài Ariya sưu tầm được hiện nay đa phần sao chép lại là chính. Các văn bản này chủ yếu viết lại bằng chữ Chăm akhar thrah và ít khi nào họ ghi lại tên người sáng tác là ai. Đa phần là vô danh. Chỉ có một số ít văn bản có nói đến người sáng tác[10].
2.2. Hát ngâm Ariya
Ariya không chỉ là một loại hình văn thơ được sáng tác và ghi chép trên các trang giấy mà còn là một loại hình hát ngâm của tộc người Chăm có từ lâu đời. Ariya được truyền thụ qua truyền miệng từ thế hệ trước sang thế hệ sau, trong đó bao gồm nhiều làn điệu khá đa dạng và phong phú. Tùy theo dịp, tùy theo bối cảnh mà các nghệ nhân hay người biết hát ngâm có thể chọn lựa Ariya cùng với làn điệu thích hợp với từng không khí và hoàn cảnh cụ thể như không khí vui, buồn, lãng mạn, trang trọng, linh thiêng hay thể hiện tình cảm, tâm sự, tỏ tình, than trách v...v...
Khi đi sâu vào nghiên cứu về Ariya mới thấy người Chăm có một kho tàng văn học - nghệ thuật dân gian vô cùng đồ sộ. Từ thần thoại, truyền thuyết, sử thi cho đến các câu chuyện liên quan đến chủ đề giáo dục, tình yêu, tôn giáo, lịch pháp, xã hội, phong tục, tập quán, không chỉ viết theo văn xuôi mà còn viết theo lói văn vần của Ariya. Tất cả đều thấy xuất hiện trong kho tàng dân gian của tộc người này. Điều này khẳng định trong thời kỳ xa xưa của mình, người Chăm đã đạt tới một trình độ ngữ văn và diễn xướng ngôn ngữ đáng tự hào. Một trong những đỉnh cao của việc diễn xướng ngôn ngữ đó chính là nghệ thuật hát ngâm Ariya của người Chăm.
Cũng giống như Khan, Hơmon các dân tộc anh em sinh sống trên dãy Trường Sơn Tây Nguyên và Hari của dân tộc Raglai ở tỉnh Bình Thuận[11], hát ngâm Ariya chủ yếu là lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua hình thức nghe nhiều lần và bắt chước ngâm theo.
Giọng ngâm Ariya là một thể loại hát ngâm cổ rất độc đáo, vì đó là các làn điệu cổ xưa, toát lên cái tâm hồn của cả dân tộc. Mỗi làn điệu Ariya đều có những cách đưa giọng, xuống giọng rất đặc biệt. Có điệu ngân nga kéo dài giọng ngâm với sự nồng nàn và nhẹ nhàng như đưa người ta vào thế giới của sự bồng bềnh, lãng du. Có điệu lên xuống trầm bổng để diễn đạt sự tiếc nuối hay oán than. Có điệu lại như lời tâm sự, thỏ thẻ của đôi trai gái đang yêu nhau.
3. Nội dung Ariya
Nội dung Ariya của người Chăm rất phong phú, đa dạng và nhiều chủ đề khác nhau. Riêng Ariya ở Bình Thuận chủ yếu nói về sự đời, tình yêu cách trở, than thân trách phận, sự chung thủy trong tình yêu, sự thay đổi của thời thế, sự thay đổi của xã hội, những lời khuyên răn, giáo huận, cuộc sống tình nghĩa vợ chồng. Ngoài ra, còn có các Ariya thuộc loại trường ca, sử thi, anh hùng ca, truyền thuyết v… v…
Đối với dân tộc Chăm, mỗi bài Ariya là một tác phẩm thi ca được ghi chép lại bằng chữ Chăm. Độ dài của nội dung của các bài Ariya thường không đồng nhất như nhau. Nội dung mỗi bài dài hay ngắn tùy theo thể loại của Ariya, trong đó thể loại sử thi thường là dài hơn cả. Ngoài ra, các Ariya thuộc thể loại Gia huấn ca hay giáo dục cũng tương đối khá dài như Ariya Thruh Palei, Ariya Pataow Adat Likei, Ariya Pataow Adat Kumei. Bên cạnh đó, các bài Ariya độ dài trung bình chiếm tỉ lệ tương đối nhiều, có thể kể các Ariya thuộc thể loại tình yêu, tôn giáo, lịch pháp, phong tục. Còn các bài Ariya ngắn hơn khoảng từ 2 đến 3 trang cũng có nhưng không nhiều, cụ thể như Ariya Nao Mâk Harek, Ariya Rai Po Lingik Pajeng, Ariya Tai Paran.
Riêng về sử thi, trường ca là loại hình sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người Chăm, cũng giống như loại hình sinh hoạt nghệ thuật của các dân tộc anh em ở Tây Nguyên. Các bài Ariya thuộc loại hình này thường chuyển tải nội dung theo dạng sử thi ca ngợi những anh hùng huyền thoại, những dũng sĩ đánh thắng mọi kẻ thù hung ác, bảo vệ sự bình yên cho cộng đồng. Ariya thuộc loại này, thường được người Chăm truyền tay nhau đọc để thưởng thức văn chương Chăm, đồng thời được ghi chép lại thành văn bản chữ Chăm để lưu giữ cho đời sau như Ariya Dewa Mưno, Ariya Inra Patra, Ariya Um Marup, Ariya Cam -Bini, Ariya Bini - Cam, Ariya Sah Pakei, Ariya Glơng Anak, Ariya Pauh Catuai, Ariya Pataow Adat, Ariya Muk Sruh Palei.
Theo một số công trình nghiên cứu và sưu tầm trước đây về Ariya cho thấy, có khá nhiều cách hiểu khác nhau về thể loại đặc biệt này, kể cả khác về cách phân loại. Thậm chí có sự lẫn lộn về thuật ngữ hay cách gọi như trường ca[12], sử thi[13] hoặc akayet[14] hay hikayet.
Thật ra, các thuật ngữ như này có khái niệm rất khác với Ariya. Trường ca là thuật ngữ văn học nhằm để chỉ các tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc sườn truyện trữ tình. Trường ca cũng thường được dùng để gọi các tác phẩm sử thi cổ đại và trung đại, khuyết danh hoặc có tên tác giả. Còn sử thi dùng để chỉ những tác phẩm theo thể tự sự với nhân vật trung tâm là những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho quần chúng nhân dân.
Riêng Ariya là thể loại văn chương Chăm được sáng tác theo thể thơ dùng để hát ngâm là chính. Nó không lệ thuộc vào dung lượng lớn hay nhỏ, dài hay ngắn và cũng không lệ thuộc vào các cốt truyện tự sự hay trữ tình, anh hùng ca hay thế sự. Khi nói đến Ariya là là nói đến hát ngâm. Có Ariya rất dài, có Ariya rất ngắn tùy theo người sáng tác. Thường họ chọn Ariya nào yêu thích nhất để ngâm, dài hay ngắn không quan trọng. Nếu quá dài thì họ có thể ngâm nhiều lần, mỗi lần ngâm một đoạn tùy theo sư hứng thú hay tùy thuộc vào thời gian rãnh rỗi. Ngoài ra, làn điệu hát ngâm Ariya cũng rất quan trọng khi chọn lựa Ariya để ngâm, tùy theo Ariya mà có làn điệu ngâm thích hợp.
Căn cứ vào nội dung chính thể hiện trong các bài Ariya, có thể phân loại Ariya theo các thế loại như giáo huấn, giáo dục, tình yêu, thế sự, tín ngưỡng, lịch pháp, anh hùng ca, truyền thuyết.
4. Thực trạng hiện nay
Qua các cuộc khảo sát các làng Chăm ở tỉnh Bình Thuận[1] cho thấy, các văn bản Chăm lưu giữ Ariya không còn lưu giữ nhiều như ngày xưa nữa. Còn các nghệ nhân biết ngâm thơ Ariya lại càng rất hiếm thấy. Sở dĩ dẫn đến thực trạng như hiện nay, là do quá nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến việc bảo tồn Ariya. Nhất là điều kiện hoạt động kinh tế mỗi ngày mỗi thay đổi đã dẫn đến sự biến đổi của xã hội. Một khi kinh tế và xã hội đều biến đổi theo xu thế của thời đại mới thì không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống dần dần rồi cũng sẽ bị biến dạng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay của Ariya người Chăm ở tỉnh Bình Thuận.
Cùng với sự biển đổi cuộc sông cộng đồng và những biến động xã hội trong thời gian qua, vị trí và vai trò của nghệ nhân ngâm thơ Ariya đã không còn “đất sống“ và ngày càng mờ nhạt trong xã hội của người Chăm ở tỉnh Bình Thuận. Sự biến đổi của xã hội tác động khá lớn đến nền văn hoá truyền thống, nhất là những nền văn hoá cổ xưa.
Từ sau ngày giải phóng đến nay, các cơ quan quản lý và nghiên cứu văn hóa cũng như nhiều cá nhân các nhà khoa học ở nước ta đã tiến hành các hoạt động nhằm gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của các tộc người ở Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, mặc dù đã có nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.
Nhiều chương trình, dự án đã điều tra, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể; lưu giữ các tư liệu sưu tầm được bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại; nghiên cứu, xử lý các kết quả sưu tầm được; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; giới thiệu, trao đổi các tư liệu về văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các tư liệu có giá trị dân tộc học độc đáo, với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay chương trình này vẫn chưa đủ rộng khắp vì lí do kinh phí.
Chính vì ít đầu tư kinh phí cho văn hoá phi vật thể cho nên hoạt động trong lĩnh vực văn hoá phi vật thể không có điều kiện phát triển, trong đó Ariya cũng không có cơ hội phát triển. Chính vì vậy, trong các ngày hội, ngày lễ cũng như trong các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng khó có thể tìm thấy các nghệ nhân ngâm Ariya, không còn nghe giọng ngâm Ariya hằng đêm như trước đây nữa.
Nhiều nghệ nhân được biết trước đây thường hay ngâm Ariya, nhưng khi đến khảo sát tiếp xúc trực tiếp trên thực tế cho thấy, rất ít người còn nhớ các Ariya để ngâm. Nguyên nhân dẫn đến sự việc này là rất ít người quan tâm đến Ariya và không có cơ hội để ngâm Ariya thường xuyên.
Trên thực tế, do thiếu nguồn nhân lực ở các địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nên công tác quản lý văn hóa phi vật thể của người Chăm hiện nay ở tỉnh Bình Thuận không được như mong muốn. Hơn nữa, nhiều cán bộ địa phương chưa được đào tạo chu đáo về lĩnh vực này, thiếu nhiều cán bộ giỏi và có kinh nghiệm.
5. Bảo tồn và phát huy giá trị Ariya
Những di sản văn hóa phi vật thể phần lớn được lưu truyền trong trí nhớ hay cụ thể hơn qua đối tượng chủ thể văn hóa. Chủ thể văn hóa chính là những nghệ nhân, là những trí thức và quan trọng hơn là những thế hệ mai sau mới là người có thể bảo tồn, phát huy và nhân rộng những giá trị văn hóa truyền thống của vùng tộc người đó.
Tuy nhiên, nếu chỉ tự thân vận động thì khó thể vượt qua hàng rào thách thức trong bối cảnh thực trạng kinh tế, văn hóa và xã hội đang thay đổi từng ngày như hiện nay. Vì vậy, cơ quan quản lý văn hóa là yếu tố quan trọng không thể thiếu được trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện cho chủ thể văn hóa là nghệ nhân, trí thức, thế hệ trẻ có cơ hội phục dựng không gian văn hóa thích ứng với hoàn cảnh mới, tạo dựng mảnh đất mới để tiếp tục ươm giống, gieo mầm và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống ngàn xưa của cha ông để lại[15].
Nghệ nhân dân gian là người lưu giữ và bảo tồn những làn điệu và những nghi thức lễ hội từ xa xưa đến nay. Không ai có thể thay thế nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị loại hát ngâm Ariya của chính mình. Nghệ nhân dân gian với bề dày kinh nghiệm, hiểu biết về những tinh hoa văn hóa tích lũy được trong suốt cuộc đời sẽ là người trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và truyền dạy cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống, những di sản của hát ngâm Ariya.
Cụ thể như các làn điệu và nội dung của Ariya vốn đa dạng, phong phú cả về chất và lượng. Để lưu giữ nó trong trí nhớ và nhờ thường xuyên ngâm Ariya, những nghệ nhân mới có thể bảo tồn và phát huy cho đến tận ngày nay. Từ đó, mới có thể truyền dạy cho thế hệ mai sau những di sản làn điệu và nội dung của Ariya như là một di sản văn hóa. Vì vậy, chính các nghệ nhân mới là nhân tố quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các làn điệu Ariya như giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Để lưu giữ và bảo tồn các làn điệu ngâm Ariya, chỉ đơn độc một mình nghệ nhân âm thầm lặng lẽ lưu giữ và bảo tồn thì khó có thể tồn tại lâu dài. Do đó, vai trò trí thức cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ, khuyến khích, sưu tầm và bảo lưu. Đặc biệt, đối với một số cộng đồng tộc người thiểu số có chữ viết ở Việt Nam, cụ thể như cộng đồng tộc người Chăm, những di sản văn hóa phi vật thể như các nội dung dùng để ngâm nhiều làn điệu ngâm khác nhau thường được ghi chép thành các văn bản chữ viết để lưu truyền lại cho đời sau.
Về mặt nhận thức, không phải người nào cũng đều thấy rõ tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của công việc bảo tồn văn hóa phi vật thể có ý nghĩa thế nào đối với việc bảo vệ và xây dựng nền văn hóa dân tộc.
Vấn đề tồn tại trước hết là ở nhận thức về giá trị của di sản văn hóa. Nhiều người vẫn quan niệm rằng, đầu tư cho việc giữ gìn di sản văn hóa là đầu tư một chiều, không đem lại lợi nhuận, không “hiệu quả”; đầu tư kinh tế mới gọi là đầu tư hai chiều, “tiền mẹ đẻ tiền con”.
Một điều rất nhạy cảm là di sản văn hóa phi vật thể không có hình hài vật chất mà chỉ tồn tại trong ký ức con người nên rất dễ bị tổn thương, mai một. Trong khi đó, hầu hết các nghệ nhân cao tuổi ở một số nước luôn được coi là báu vật nhân văn sống được nhà nước đảm bảo các chế độ đến hết đời. Còn ở Việt Nam, chưa có chính sách đảm bảo các chế độ cho các nghệ nhân dân gian như là một di sản văn hóa sống. Đây là vấn đề cần đặt ra đối với ngành văn hóa[16].
Về phương diện kỹ thuật, cán bộ văn hóa địa phương hầu như chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện, các kỹ thuật hỗ trợ trong công tác sưu tầm, bảo tồn hay giới thiệu các di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể. Các nhà trưng bày, phòng trưng bày, triển lãm văn hóa phi vật thể chưa có trưng bày hay triển lãm loại hình di sản văn hóa này.
Ở một số tỉnh và thành phố, loại hình di sản văn hóa phi vật thể này cũng đã bắt đầu quan tâm và phát huy trong các dịp lễ hội và sinh hoạt cộng đồng. Riêng ở tỉnh Bình Thuận, cho đến nay vẫn chưa quan tâm nhiều đến các hoạt động văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Chăm nói riêng. Các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng chưa phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể này. Một số nơi nếu có, nhưng chỉ mang tính cách phong trào, ngượng ép, do lệ thuộc về kinh phí. Do không có không gian văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân có nhiều dịp sinh hoạt thường xuyên nên nhiều người đã quên dần những bản Ariya đã được truyền dạy là lẽ đương nhiên.
Trên thực tế, việc bảo tồn và phát huy văn hoá phi vật thể là việc làm nằm trong tầm tay. Nhưng với điều kiện, phải có chính sách đãi ngộ thích hợp, đầu tư kinh phí tương xứng với giá trị văn hoá cần bảo tồn, đồng thời phải có chính sách đào tạo trí thức dận tộc và cán bộ địa phương có một trình độ nhất định để có thể tác nghiệp độc lập tại cơ sở địa phương, dưới sự hỗ trợ của nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Vì vậy, cần phải coi trọng vai trò cơ quan quản lý văn hoá tại cơ sở, đồng thời cũng phải có chính sách hoạch định cụ thể đối với từng loại hình văn hoá phi vật thể, trong đó có loại hình hát ngâm Ariya.
6. Giải pháp
Di sản văn hóa phi vật thể tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản. Trong những trường hợp cá biệt, chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản là một cộng đồng cư dân thì ý chí, khát vọng, nhu cầu, thậm chí lợi ích của họ cũng có tác động không nhỏ đến sự tồn vong của di sản văn hóa phi vật thể. Chính họ là nhân tố quyết định những di sản văn hóa phi vật thể nào cần được bảo tồn, phương cách bảo tồn, sử dụng và khai thác chúng nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cá nhân và cộng đồng.
Trước đây, Ariya được truyền thụ và lưu truyền từ đời này sang đời khác như là một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu được đối với cộng đồng tộc người Chăm. Nhưng ngày nay, trước sự tác động ảnh hưởng bởi môi trường xã hội hiện đại và sự lấn át bởi nền văn hóa phương Tây, đời sống sinh hoạt cộng đồng đang biến đổi nhanh theo lối sống hiện đại, thế hệ trẻ ngày nay không có điều kiện và cơ hội để tiếp nhận và lưu truyền. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho Ariya không còn phổ biến và sử dụng thường xuyên như trước đây, mà ngược lại ngày càng đang có nguy mất dần.
Xuất phát từ thực trạng và những quan điểm nêu trên, đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Ariya của người Chăm tỉnh Bình như sau:
- Mở lớp học chữ Chăm Akhar Thrah truyền thống và dạy ngâm Ariya cho đối tượng là học sinh phổ thông và sinh viên.
- Mở các câu lạc bộ theo từng địa phương, có sự phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan nhằm tạo điều kiện tốt nhất.
- Khai thác mạng xã hội trong thời kỳ 4.0 để phát huy được giá trị Ariya một cách tối ưu nhất.
- Xuất bản các tập sách Ariya bằng hai loại chữ Rumi và chữ Chăm truyền thống.
- Khuyến khích nghệ nhân ngâm trở lại các làn điệu Ariya trong các dịp lễ hội, lễ nghi, buổi giao lưu họp mặt gia đình dòng họ hay giải trí trong lao động.
- Chọn lọc các giọng ngâm tốt của các nghệ nhân cho phát thanh xen kẻ với thông báo hay tin tức trên loa truyền thông trong các làng người Chăm để phổ biến các bài ngâm Ariya đối với lớp trẻ cũng như người lớn tuổi hiện nay.
- Tổ chức định kỳ các cuộc thi ngâm Ariya có giải thưởng giữa các thôn làng nhằm khuyến khích và tôn vinh những người biết ngâm Ariya. Có thể tổ chức vào dịp lễ Rija mừng năm mới, lễ hội Katé, lễ hội Ramâwan, các dịp lễ hội văn hóa dân tộc Chăm cũng như các dịp lễ hội văn hóa dân tộc toàn quốc hoặc đi giao lưu các ngày hội văn hóa của các dân tộc anh em hoặc các dịp sinh hoạt trong tộc họ, gia đình hay các dịp lễ khác trong năm.
- Tổ chức các cuộc thi sáng tác Ariya có giải thưởng giữa các nhân sĩ trí thức nhằm khuyến khích và tôn vinh những người sáng tác Ariya. Có thể tổ chức vào dịp lễ hội truyền thống dân tộc hay các dịp lễ khác trong năm. Ngoài ra, có thể tổ chức thi sáng tác Ariya qua mạng xã hội đối với các giới trẻ.
- Chọn lọc các bài Ariya phù hợp với tuổi học sinh cấp một và cho phát thanh vào những lúc ra chơi và trong các buổi sinh hoạt ngoại khoá để làm quen với làn điệu Ariya từ lúc nhỏ.
- Tổ chức chiếu phim thiếu nhi xen kẽ với phim giới thiệu về các nghệ nhân ngâm Ariya ở tỉnh Bình Thuận để gây ấn tượng tốt về Ariya cho các em nhỏ.
- Lập hồ sơ công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho các nghệ nhân để giới trí thức, giới trẻ và chính các nghệ nhân tự hào về giá trị văn hoá của dân tộc mình. Đây là công việc cần làm ngay.
- Gấp rút chuẩn bị hồ sơ trình công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh và quốc gia đối với loại hình Ariya. Tiến tới mục tiêu công nhận Ariya là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Kết luận
Những bài thơ Ariya Chăm chính là nguồn sữa trong lành nuôi dưỡng tâm hồn con người, nuôi dưỡng nền văn học nghệ thuật của dân tộc. Người hát ngâm Ariya không chỉ là người kể chuyện mà còn là người truyền bá tri thức, văn hóa đến với cộng đồng. Thơ ca dân gian dân tộc Chăm xứng đáng được bảo tồn và gìn giữ, nhưng phải biết gạn đục khơi trong để di sản đó ngày một sáng tươi hơn. Qua đó, khuyến khích mọi người biết trân trọng yêu quý những bản trường ca.
Để không phụ lòng các bậc tiền bối, đã không quản ngại khó khăn giữ gìn và bảo tồn Ariya cho đến tận hôm nay, để cho những tập sách Ariya của người Chăm không bị lớp bụi thời gian khỏa lấp và những bản trường ca Ariya không bị bỏ hoang, những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, những trí thức Chăm, những người có trách nhiệm, cũng như sự chung tay của toàn xã hội thì Ariya sẽ tồn tại, bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và phát huy giá trị Ariya vốn có của nó. Hy vọng Ariya không những phổ biến trong mỗi gia đình người Chăm, trong làng Chăm, trong đất nước Việt Nam, mà sẽ vươn xa hơn được bạn bè quốc tế quan tâm và biết đến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Aymonier E., A. Cabaton, 1906. Dictionnaire Chăm – Francais, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp xuất bản, E.F.E.O, 1
Collins J., 1991. Chamic, Malay and Acehnese : The Malay World and the Malayic Languages, trong Le Chămpa et Le Monde Malais, Paris, 1991
Inra Sara - Phan Đăng Nhật, 2014. Sử thi Chăm, Quyển 1. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2014
Inrasara, 1996. Văn học Chăm II - Trường ca, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1996
Lâm Tấn Bình, 2013. Những kết quả ban đầu trong công tác nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm ở Bình Thuận, Tập nghiên cứu Văn hóa Chăm, Nxb. Tri Thức, số 1 – 2013
Moussay G., 1971. Dictionnaire Căm – Vietnamien – Francais, Centre Culturel Căm, Phanrang, 1971
Nguyễn Đình Khoa, 1983. Nhân chủng học Đông Nam Á, Nhà xuất bản Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983
Nhiều tác giả, 2007. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Nxb Viện Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007
Po Dharma - G.Moussay - Abdul Karrim, 1997. Akayet Inra Patra, Koleski Manukrip Melayu Campa, No. 1, Perpustakaan Negara Malaysia, EFEO, Kuala Lumpua, 1997
Thành Phần, 2002. Một số văn bản của dân tộc Chăm hiện lưu trữ tại Pháp, Tạp chí Xưa & Nay, số 128, tháng 11/2002
Thành Phần, 2003. Vấn đề nghiên cứu người Chăm ở Việt Nam, trong Dân tộc học Việt Nam – Thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Nxb. Khoa học Xã hội, 2003
Thành Phần, 2007. Danh mục thư tịch Chăm ở Việt Nam, Nxb. Trẻ, 2007
Thành Phần, 2014. Sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình hát ngâm Hari của tộc người Raglai ở tỉnh Bình Thuận, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn, Sở Khoa học và Công nghệ, Bình Thuận, 2014
Thành Phần, 2021. Nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị Ariya của người Chăm tỉnh Bình Thuận, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn, Sở Khoa học và Công nghệ, Bình Thuận, 2021
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Dữ liệu và số liệu thống kê, 2020, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/11/ket-qua-toan-bo-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-nam-2019/
Viện Dân Tộc Học, 1984. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các Tỉnh Phía Nam), Nhà xuất bản khoa học Hà Nội, 1984. trang 251 -265
[1] Thuật ngữ “người Chăm” dùng để chỉ tên gọi của một tộc người (tộc danh) với tư cách là một bộ phận, là công dân của Quốc gia Việt Nam ngày nay (Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam).
[2] Xem Viện Dân Tộc Học, 1984, tr. 251 -265
[3] Xem Nguyễn Đình Khoa, 1983, tr. 56 – 60
[4] Xem Collins, 1991, tr. 108 – 121
[5] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/11/ket-qua-toan-bo-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-nam-2019/
[6] Thành Phần, 2003, tr. 175 - 182.
[7] Moussay G., 1971, tr. 14
[8] Aymonier E. & Cabaton A., 1906, tr. 20
[9] Thành Phần, 2021, tr. 39
[10] Xem Thành Phần, 2002, tr. 21 – 23.
Xem Thành Phần, 2007
[11] Xem Thành Phần, 2014
[12] Xem Inrasara, 1996
[13] Xem Inra Sara & Phan Đăng Nhật, 2014
[14] Xem Po Dharma - G.Moussay - Abdul Karrim, 1997
[15] Xem Lâm Tấn Bình, 2013, tr 38 - 43
[16] Nhiều tác giả, 2007, tr 147.
Xem bài báo khoa học tại: /userfiles/Bài báo khoa học_Giới thiệu về Ariya người Chăm Bình Thuận_PGS_TS_ Thành Phần.pdf