BUỔI THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ ''CẢI CÁCH KINH TẾ Ở ẤN ĐỘ VÀ VIỆT NAM''
Thứ tư, 09/02/2022 13:02Ngày 17/12/2021, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi thảo luận chuyên đề "Cải cách kinh tế ở Ấn Độ và Việt Nam". Buổi thảo luận được tổ chức trực tuyến qua nền tảng Zoom với sự tham gia hai diễn giả đến từ Việt Nam và Ấn Độ, TS. Trần Đình Lâm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á và TS. Prasenjit Bose - Chuyên gia kinh tế độc lập đến từ Kolkata - Ấn Độ
Với mục đích chia sẻ hiểu biết về các vấn đề chiến lược, buổi thảo luận đã thu hút sự tham dự của hơn 140 sinh viên và các cá nhân có quan tâm đến từ các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Buổi thảo luận nằm trong chuỗi chương trình “trao đổi học thuật về các vấn đề chiến lược Ấn Độ - Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc, ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi lời cảm ơn chân thành đến hai diễn giả và những cá nhân có quan tâm tham dự chương trình. Ông cho biết đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu có thể trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, ông nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, việc nắm bắt, tiếp thu các bài học trong các giai đoạn khác nhau sẽ đóng góp cho sự phát triển chung cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác của cả hai quốc gia.
Ở phần đầu của buổi thảo luận, ông Prasenjit Bose đã trình bày quá trình cải cách theo đường lối tự do hóa của Ấn Độ vào năm 1991. Ông cho biết, sau 30 năm thực hiện công cuộc cải cách toàn diện, Ấn Độ đã giành được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, khẳng định vị thế, vai trò, uy tín của Ấn Độ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên ông nhận định mặc dù hiệu quả kinh tế vĩ mô được cải thiện nhưng yếu tố đó chắc chắn không đủ để đảm bảo hiệu quả phát triển con người, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế và tạo việc làm. Ông cho rằng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn không giải quyết được vấn đề cốt lõi của sự phát triển khi tình trạng đói nghèo vẫn còn, khoảng cách giàu nghèo vẫn còn khá lớn, trình độ của nguồn nhân lực chưa tương xứng với trình độ phát triển nền kinh tế,...
Trong phần trình bày của mình, TS. Trần Đình Lâm đã khái quát tình hình và định hướng kinh tế của Việt Nam trước đổi mới với nền kinh tế tập trung và không có thị trường tự do. Sau khi đề xuất và thực hiện chính sách Đổi mới với nền kinh tế thị trường, tình hình phát triển ở Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Các chỉ số phát triển kinh tế và con người đều tăng qua các năm. Điều này đóng góp không nhỏ trong quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam. Trong năm 2020, tuy những chỉ số tăng trưởng vẫn ở mức ổn định, nhưng Việt Nam đã gặp không ít khó khăn do làn sóng dịch Covid-19. TS. Lâm đã chỉ ra những khó khăn của Việt Nam về hệ thống cơ sở hạ tầng, tình trạng quan liêu trong các cơ quan quốc doanh, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả,... Đặc biệt ông nhấn mạnh, trở ngại lớn nhất trong quá trình hội nhập của Việt Nam nằm ở yếu tố giáo dục và con người. Ông cho rằng, hệ thống giáo dục Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng và tăng cường hỗ trợ cho lực lượng học sinh sinh viên để phát huy tối đa nguồn lực của đất nước. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân thanh niên cần phải có ý chí đi lên, cố gắng và nỗ lực để giúp ích cho quốc gia. Về phía chính phủ, ông nhận định, dịch Covid đã tác động nhất định đến Việt Nam, vì thế, hỗ trợ từ chính phủ, các giải pháp về thuế và đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ mang lại lợi ích rất lớn trong việc phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam
Bên cạnh tất cả những chia sẻ của các diễn giả khách mời, các đại biểu và người tham gia chương trình đã nhận được nhiều kiến thức bổ ích thông qua phần Hỏi & Đáp kéo dài 20 phút. Buổi trò chuyện đã mang lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích, góp phần củng cố và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa học giả hai nước Ấn Độ và Việt Nam.