Chữ tín của người Nhật
Thứ ba, 31/05/2011 17:05Giáo sư Kiyohiro Kokarimai chuyên ngành kinh tế, nghỉ hưu ở ĐH Toyo được bảy năm rồi nhưng vẫn mong muốn được chia sẻ vốn kiến thức của mình với các nơi có chương trình hợp tác với nhà trường.
Ông chọn VN để làm cuộc viếng thăm. Mỗi ngày trên các tờ báo Nhật ông đều đọc và tìm hiểu về VN. Ông đã lập kế hoạch và trao đổi trong ba năm để thực hiện chuyến đi này. Ông đi cùng vợ, bà tốt nghiệp ngành sư phạm chuyên về lịch sử.
Vợ chồng giáo sư rất hăm hở vì muốn chứng kiến sự đổi thay của đất nước VN và mong muốn đến thuyết giảng với sinh viên trẻ của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Chắc chắn cuộc sống sẽ trở nên hữu ích hơn khi những tri thức tích lũy lâu nay được chuyển giao cho các bạn trẻ VN để họ có thể vận dụng, xây dựng đất nước mình.
Ông nói muốn phát triển, không có con đường nào khác ngoài việc nâng cao vai trò của giáo dục và mở rộng hợp tác với các ĐH quốc tế.
Trên đường tiễn ông ra sân bay, tôi có hỏi về tình hình động đất và sóng thần ở Nhật. Ông có người thân hay bạn bè ở những nơi đó không?
Giáo sư nói quê hương ông ở Morioka, tỉnh Iwate, ở đó còn anh trai và em trai của ông. Người em trai có một chuỗi 42 siêu thị, trong đó có nhiều cái ở bờ biển đã bị sóng thần cuốn đi. Động đất xảy ra một ngày trước khi ông đến VN. Những người thân vợ của ông cũng ở nơi này.
Ông đắn đo mãi, tuy vậy vẫn thực hiện chuyến đi vì đã hứa với sinh viên VN. Cần phải giữ lời vì mối quan hệ quốc tế. Ông nói vùng Iwate bây giờ rất khó khăn: mất điện, nước cúp, thức ăn thiếu thốn và ngoài trời tuyết đang rơi...
Không thể bội tín, ông đã bỏ lại sau lưng những người thân yêu của mình trong lúc khó khăn nhất, bỏ lại sau lưng những nỗi đau, những do dự... để đến VN, nơi những sinh viên đang mong chờ lĩnh hội kiến thức từ ông.
Xin cầu nguyện cho đất nước Nhật Bản vượt qua đợt thảm họa này. Với văn hóa vì cộng đồng dân tộc, sức mạnh kết tinh như vậy sẽ làm nên một sức sống mới cho Nhật Bản. Nơi đó không chỉ là sức mạnh của kỹ thuật với hàng hóa nổi tiếng chất lượng cao mà còn những giá trị nhân văn, chữ tín mà nhiều dân tộc khác phải ngước nhìn đầy thán phục.
TS TRẦN ĐÌNH LÂM
(Trung tâm nghiên cứu VN - Đông Nam Á, ĐH KHXH& NV TP.HCM)
Link: http://tuoitre.vn/Ban-doc/430025/Chu-tin-cua-nguoi-Nhat.html

Bài mới hơn
HỘI THOẠI KHOA HỌC VIỆT NAM – INDONESIA: THÚC ĐẨY HỢP TÁC KINH TẾ VÀ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓATRƯỜNG ĐHKHXH&NV TP.HCM TIẾP GIÁO SƯ AMARJIVA LOCHAN SINGH – THÚC ĐẨY HỢP TÁC GIAI ĐOẠN 2 DỰ ÁN SỐ HÓA VĂN BẢN CHĂMTHAM DỰ NGÀY HỘI TUYỂN DỤNG NHÂN VĂN - USSH JOB FAIR 2025: KẾT NỐI – CƠ HỘI – PHÁT TRIỂNĐÓN TIẾP ĐOÀN BAN GIÁM HIỆU TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO JAKARTA VÀ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DU LỊCH TÂM LINH BOROBUDUR, INDONESIAĐÓN TIẾP VÀ LÀM VIỆC VỚI GS.TS CHAIRY – PHÓ HIỆU TRƯỞNG PHỤ TRÁCH HỢP TÁC, ĐẠI HỌC PRESIDENT, INDONESIATHAM DỰ HỘI THẢO QUỐC TẾ KỶ NIỆM 70 NĂM HỘI NGHỊ BANDUNG TẠI INDONESIATRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI GAMUDA LAND VIETNAMHỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM – ASEAN TP.HCM VÀ TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á THĂM, CHÚC TẾT CỔ TRUYỀN CÁC TỔNG LÃNH SỰ QUÁN LÀO, CAMPUCHIA, THÁI LAN TẠI TP.HCMTHAM DỰ CHƯƠNG TRÌNH CHÚC MỪNG TẾT CỔ TRUYỀN CÁC DÂN TỘC CAMPUCHIA, LÀO, THÁI LAN VÀ MYANMARTRAO KỶ NIỆM CHƯƠNG VÌ HÒA BÌNH, HỮU NGHỊ GIỮA CÁC DÂN TỘC CHO NGÀI AUGUSTAVIANO SOFJAN – TỔNG LÃNH SỰ INDONESIA TẠI TP. HỒ CHÍ MINH VÀ GIAO LƯU VĂN HÓA: ASEAN HẠNH PHÚC CÙNG TRÀ