HỘI THẢO QUỐC TẾ: LAW AND ECONOMICS ON ILLICIT TRADES
Thứ hai, 08/11/2021 07:11Vào ngày 30/10/2021, Hội thảo quốc tế: LAW AND ECONOMICS ON ILLICIT TRADES (tạm dịch: Kinh tế luật đối với thương mại bất hợp pháp) đã được tổ chức bởi Viện Khoa học Xã hội, Trường đại học Waseda, Nhật Bản. Hội thảo có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Ý và Việt Nam. TS. Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á tham dự với vai trò là thành viên chính của hội thảo.
Các thành viên tham dự hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. Koji Domon - Đại học Waseda, Nhật Bản gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thành viên tham dự hội thảo. Ông cho rằng hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu quốc tế trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm đã đúc kết thông qua quá trình nghiên cứu, hướng đến tính ứng dụng vào thực tiễn của các đề tài. Tiếp lời GS. Koji Domon, TS. Trần Đình Lâm hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều chương trình giao lưu, thảo luận theo chuyên đề như thế này, nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa nền giáo dục hai nước Việt Nam và Nhật Bản, cũng như giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP. HCM và Trường Đại học Waseda.
Phần trình bày của TS. Trần Đình Lâm
Hội thảo diễn ra với hai phiên thảo luận chính với các bài nghiên cứu về các vấn đề Kinh tế - Luật. TS. Trần Đình Lâm và PGS.TS. Denis Kong - Đại học Multimedia, Malaysia đảm nhiệm vai trò chủ tọa của mỗi phiên thảo luận. Ở phiên thảo luận thứ nhất, TS. Trần Đình Lâm đã trình bày tham luận “Xây dựng nhận dạng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế”. Ở phần trình bày của mình, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. TS. Michael Yuan - Viện Khoa học và Giáo dục quốc tế, Boston, Hoa Kỳ đánh giá cao phần trình bày của ông Lâm và đưa ra phần thảo luận sôi nổi. Cũng ở phiên thảo luận này, GS. Koji Domon mang đến hội thảo nghiên cứu về những biện pháp thực thi tối ưu cho nền công nghiệp dưới ảnh hưởng của vấn nạn sao chép lậu. GS. Koji Domon cho biết Nhật Bản rất coi trọng bản quyền trong tất cả mọi lĩnh vực. Vì vậy việc nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân và tổ chức đối với vấn đề bản quyền là một yếu tố vô cùng quan trọng. Bên cạnh hai bài nghiên cứu trên, hội thảo đón nhận những bài nghiên cứu từ GS.Giovanni Battista Ramello - Đại học Piemonte Orientale, Italia, TS. Ken Yahagi - Đại học Tokyo, Nhật Bản và TS. Zhengyi Zhang, Đại học Waseda, Nhật Bản.
Giáo sư Koji Domon tại hội thảo
Các tác giả tham gia hy vọng rằng với những bài nghiên cứu mang tính học thuật cao của mình sẽ cung cấp những kinh nghiệm cần thiết và giúp cho các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt ở các nước đang phát triển, sẽ triển khai các chính sách phù hợp có lợi, giúp phát triển nền kinh tế tại quốc gia của mình.