Slide background
  NGÀY HỘI GIAO LƯU VĂN HÓA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á VỚI CHỦ ĐỀ: ASEAN – CỘNG ĐỒNG THỊNH VƯỢNG  
Slide background
  HỘI THẢO KHOA HỌC - GIẢI PHÁP PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐA VĂN HÓA VÀ TIỀM NĂNG CỦA CÁC GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI TP.HCM GÓP PHẦN XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HÓA, VĂN MINH ĐÔ THỊ  
Slide background
  TỌA ĐÀM QUỐC TẾ: DU LỊCH CỘNG ĐỒNG VÀ MÔ HÌNH DU LỊCH GẮN VỚI GIÁO DỤC MALAYSIA  
Slide background
  THĂM VÀ CHÚC TẾT CỔ TRUYỀN SONGKRAN CỦA VƯƠNG QUỐC THÁI LAN  
Slide background
  THĂM VÀ CHÚC TẾT CỔ TRUYỀN BUNPIMAY CỦA CHDCND LÀO  
Slide background
  THĂM VÀ CHÚC TẾT CỔ TRUYỀN CHÔL CHHNĂM THMÂY CỦA VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA  
Slide background
  CHƯƠNG TRÌNH HÈ VIỆT NAM 2023  
Slide background
  HỘI THẢO KHOA HỌC: TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN SINH KẾ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP CỦA NÔNG DÂN TẠI TỈNH HẬU GIANG: THÁCH THỨC MỚI VÀ GIẢI PHÁP  

TIN TỨC

CẢM NHẬN CỦA SINH VIÊN VỀ CHUYẾN HOMESTAY Ở NHẬT BẢN

Thứ ba, 23/04/2013 10:04

Sau chuyến đi homestay kéo dài 11 ngày tại Nhật Bản, hai bạn sinh viên được chọn đi đã có những chia sẻ thú vị, và cũng rất thực tế, về đất nước mặt trời mọc này.

Từ trái qua: bạn Nguyễn Như Ý, cô Yoshiko, thầy Hitokoto và bạn Tôn Nữ Kim Trang trong chuyến đi homestay.

 

NHẬT BẢN: NHANH VÀ CHẬM

Qua những quyển truyện tranh Doraemon, sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, những tinh tế và phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, và những mâu thuẫn lạ kì trong xã hội, đến Nhật Bản là niềm mơ ước và kích thích không ngừng trong tôi. Với 11 ngày ngắn ngủi, những gì tôi được trải nghiệm được là vô giá, và tôi vô cùng biết ơn thầy Hitokoto và cô Yoshiko đã không chỉ cho tôi cơ hội đến Nhật, mà còn chỉ dạy cho tôi rất nhiều  để tôi mở rộng cách nhìn nhận, tư duy và trái tim.

Nhật Bản phát triển mạnh mẽ và trật tự. Tôi nghĩ trải nghiệm về thăm quan nhà máy sản xuất Toyota có thể khái quát một bộ phận cuộc sống của người Nhật bản. Tôi thật sự được mở rộng tầm nhìn, hầu hết dây chuyền sản xuất ở Toyota đều tự động (đến việc lấy bốn cái đinh ốc cũng cần máy móc) và diễn ra liên tục theo mô hình “just in time”. Phương châm sản xuất của Toyota “Making what is needed when it is needed in amount needed”. Hình ảnh người công nhân Toyota gợi cho tôi nghĩ đến những con kiến làm việc rất nhanh và rất chăm chỉ với sự tập trung cao độ bởi một sai sót nhỏ là làm ngưng trệ cả một dây chuyền. Những mô phỏng như xỏ dây qua 10 cái lỗ zích zắc trong 8 giây, quấn dây qua 9 chốt không theo trật tự trong 7 giây cho thấy mức độ lành nghề của công nhân ở đây. Bạn có thể tưởng tượng 1 người công nhân chỉ làm một công việc là gõ một mảnh kim loại thành một đường bo cong xe hơi trong suốt 20 năm thì có thể tưởng tượng mức độ chuyên nghiệp của họ như thế nào. Việc quản lý chất lượng chặt chẽ được thực hiện bằng cách máy móc hóa các giai đoạn làm ra sản phẩm, nhân lực chuyên nghiệp và làm việc liên tục là một trong những lợi thế mạnh giúp Toyota vươn lên vị trí bá chủ trong ngành công nghiệp xe hơi.  Nhưng mặt trái không thể phủ nhận là vì áp lực công việc quá cao, công việc xoay ca liên tục và lương ở mức trung bình so với chi phí sinh hoạt đắt đỏ đã gây ra một số vấn đề trong xã hội Nhật Bản. Và chỉ có đến Nhật, tôi mới được hiểu và thấm thía vấn đề mà tôi băn khoăn khi đọc sách ở nhà. Bên cạnh đó, giao thông phát triển mạnh với hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, thời gian cho mỗi chuyến là chính xác từng phút (như 1:29, 1:39, 1:49), nổi bật là tàu siêu tốc shinkansen với tốc độ trung bình 340 km/h, tức là từ thành phố Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu chưa đến 20 phút. Người Nhật Bản đi bộ rất nhanh, có lẽ là do áp lực công việc, nếu có cuộc thi về đất nước đi bộ nhanh nhất thế giới, tôi nghĩ Nhật Bản sẽ là nước dẫn đầu. Toilet rất hiện đại và tiện nghi với đầy đủ các nút bấm đáp ứng những nhu cầu cơ bản đến phức tạp của con người khi đi toilet.

Nhật Bản là một đất nước xinh đẹp. Điều làm tôi ấn tượng đầu tiên khi ngồi trên máy bay là nhìn từ trên cao, Nhật Bản toàn là đồi núi, rất ít đồng bằng, ở đâu có 1 chút bằng phẳng là có người dân sinh sống. Không khí ở Nhật mát mẻ so với cái nóng oi bức ở Sài Gòn. Tôi được may mắn sang Nhật vào mùa hoa anh đào nở, hoa anh đào ngập tràn, bước vài bước là thấy ở hai bên đường, ở các ngôi đền, các nhà dân. Người dân Nhật Bản hiền lành, lúc nào cũng thấy họ tươi cười chào hỏi dù không quen biết. Dù họ bận rộn đến đâu, khi đi đường đều tuân thủ nguyên tắc “xe lớn nhường xe nhỏ, xe nhỏ nhường người đi bộ”, hễ thấy có người chuẩn bị qua đường nơi không có đèn tín hiệu, họ đều tự giác dừng lại nhường cho người đi bộ đi trước. Tôi được thầy hướng dẫn tham quan các ngôi đền chùa nối tiếng ở Kyoto như Kinh Các Tự, Kiyomizu… Ở từng nơi chúng tôi đến, thầy nhiệt tình kể cho chúng tôi nghe nguồn gốc, giá trị lịch sử của ngôi đền. Qua đó, tôi hiểu được những giá trị truyền thống đã in sâu trong tiềm thức người Nhật Bản như thế nào, và đó cũng là cơ sở cho sự phát triển của Nhật Bản ngày hôm nay. Chúng tôi còn cùng nhau thưởng thức một chút rượu sake dưới tán cây hoa anh đào ở cung điện Nijojo, rượu sake rất thơm và tôi rất thích được cùng uống với thầy vì tửu lượng của thầy không cao * cười *. Tôi thật sự được trải nghiệm cuộc sống của người Nhật trong suốt quá trình homestay tại nhà thầy cô ở Mishima. Ở Mishima, đi đâu chúng tôi cũng dễ dàng nhìn thấy núi Phú Sĩ. Chúng tôi cùng cô đi siêu thị, được thưởng thức những món ăn Nhật Bản ngon tuyệt do cô nấu, trò chuyện, tâm sự sau mỗi bữa ăn, còn được cô hướng dẫn cách nấu món súp Miso và cà ri Nhật Bản, và tôi đã nấu được, đó là một thành công. Thầy còn dạy chúng tôi về những vấn đề tưởng như rất bình thường trong cuộc sống nhưng nếu nhìn theo khía cạnh khác, nó có rất nhiều giá trị phải học hỏi.

Điều mà tôi yêu quý và trân trọng nhất đó chính là tình cảm thầy cô dành cho chúng tôi. Dù chỉ vỏn vẹn 11 ngày nhưng thầy cô đã xem chúng tôi như thành viên trong gia đình, và tôi vô cùng biết ơn điều đó. Chuyến đi homestay thật sự là vô giá đối với tôi, Nhật Bản trở nên đẹp hơn bởi tình cảm của thầy cô.

Tôn Nữ Kim Trang

 

 

CẢM NHẬN SAU CHUYẾN HOMESTAY 11 NGÀY TẠI NHẬT

Là một trong hai sinh viên được chọn trong chuyến homestay 2013 do thầy Hitokoto tài trợ-thật không biết diễn tả tâm trạng mình như thế nào khi nhận được tin này. Đây quả là một cơ hội lớn để học hỏi nhiều thứ. Ba năm đại học đã được tìm hiểu nhiều về Nhật Bản, nay được đặt chân đến đất nước xinh đẹp này, quả thật là một giấc mơ.

Khoảng 7 h10 phút sáng ngày 1/4 (giờ Nhật Bản), máy bay vừa mới đến bầu trời Nhật Bản. Nhìn từ trên cao, Nhật Bản chỉ toàn đồi núi. Những chỗ bằng phẳng sẽ nhìn thấy những ngôi nhà, những con đường bé xíu như mô hình.

 “Xin thông báo máy bay sẽ hạ cánh sau ít phút nữa” – cơ trưởng thông báo. Đến nơi rồi sao? Thật không thể tin được. Nhật Bản – đất nước mặt trời mọc – hoa Anh Đào – núi Phú Sĩ –anime – ninja – samurai –sushi – onsen ... tất cả những gì được học, được nghe các thầy cô kể, những hình ảnh tưởng tượng đó chạy lướt qua trong đầu tôi. Bạn không thể hiểu được cảm giác của tôi lúc ấy đâu. Nó giống như cảm giác của một đứa trẻ đang bóc từng lớp giấy gói quà - món quà sinh nhật lần đầu tiên trong đời được nhận. Vui sướng, hồi hộp, phấn khởi, rộn ràng, còn tôi thì có thêm một chút lo lắng nữa.

Nhưng sự lo lắng ấy nhanh chóng tan biến khi nhìn thấy vợ chồng thầy Hitokoto đứng đợi chúng tôi ở cửa ra với nụ cười ấm áp. Cũng chính nụ cười này đã làm tôi bớt căng thẳng trong lần phỏng vấn trước khi quyết định người được chọn cho chuyến homestay này.

Sân bay quốc tế Kansai nằm giữa biển nên bạn sẽ có cảm giác không gian thật bao la, bầu trời như thấp xuống chạm mặt biển. Nhật Bản đón chúng tôi với cái se se lạnh giống những ngày cuối đông ở Đà Lạt. Gió thổi lồng lộng mang theo hơi biển cả, thật trong lành. Cảm giác này khó mà có được ở Sài Gòn “rực lửa” khi đó ba mươi mấy độ.

Sau khi rời sân bay, chúng tôi đi thẳng về Kyoto bằng xe của thầy cô. Xe chạy lướt qua những cây hoa anh đào nở rộ. Chúng tôi xuýt xoa không ngừng khiến thầy cô bật cười. Rồi thầy cô giới thiệu với chúng tôi về sân bay Kansai, và vùng đất Kyoto sắp đến. Chúng tôi kể với thầy cô chuyện học hành ở trường và hỏi thật nhiều về Nhật Bản, những thứ trước giờ chỉ được biết qua sách báo, internet hay qua lời kể của thầy cô. Chẳng mấy chốc đã có cảm giác thân thiết với thầy cô như đã quen từ lâu rồi vậy.

Đến Kyoto chúng tôi được đi tham quan nhiều nơi nổi tiếng. Byodoin – bạn có thể thấy ngôi chùa này được chạm khắc rất chi tiết trên đồng 10 yên của Nhật; chùa 33 gian – nổi bật là bức tượng nghìn tay và 11 khuôn mặt (giống Việt Nam mình có tượng phật nghìn mắt nghìn tay nhỉ!), là kho báu của quốc gia, với ý nghĩa mổi cánh tay có thể cứu rỗi 25 cuộc đời; tòa Kim Các Tự (Kinkakuji) giác vàng lộng lẫy soi bóng xuống ao gương (kyoko-chi); chùa Ryoanji – với khu vườn đá huyền bí; Koryuji – với tượng phật quan âm được mệnh danh là nàng Monalisa phương Đông vì nụ cười bí ẩn. Lâu đài Nijo – tại đây chúng tôi được trải nghiệm ohanami, cùng thầy cô ngắm hoa anh đào, ăn những món ăn đặc trưng Nhật Bản và uống rượu sake. Rượu cay, vị rất thanh, uống xong đọng lại trong cổ vị ngọt dễ chịu vô cùng. Có lẽ do tửu lượng kém nên chỉ mới uống có 1 li thôi đã cảm thấy choáng rồi.

Thích nhất là lúc đến nhà của thầy cô ở Mishima (Shizuoka). ở Mishima đâu đâu cũng có thể ngắm núi Phú Sĩ. Chỉ khi bạn ngắm núi Phú Sĩ thì bạn mới ý thức rõ ràng rằng: bạn đang ở Nhật, ở Nhật chứ không phải bất cứ một nơi nào khác cả. Hùng vĩ, uy nghiêm đứng đó, chứng kiến biết bao thăng trầm trong lịch sử Nhật Bản.

Ở nhà của thầy cô được thầy cô nấu cho rất nhiều món ăn. Đi Nhật mà không ăn đồ ăn Nhật Bản quả là một điều đáng tiếc. Ở Việt Nam hay những nước khác cũng có đồ ăn Nhật nhưng tin tôi đi, ở Nhật thì hoàn toàn khác và... biết gì không? Ngon kinh khủng luôn ấy! Cùng cô làm món gyoza nữa nè. Nhưng không đẹp tí nào! Tôi và bạn cùng đi cũng nấu cho thầy cô ăn 1 món ăn Việt Nam. Tay nghề kém và sợ thầy cô hiểu lầm về món phở truyền thống nên đã quyết định chọn món Nui. Thầy cô ăn hết luôn làm tôi cảm động quá chừng, tại trong đó có nước mắm sợ thầy cô không ăn được.

Thầy cũng vui tính lắm nha, để chứng tỏ đàn ông Nhật rất đảm đang thầy đã tự tay nấu món gyudon, ăn xong thầy còn rửa chén nữa. Ở nhà thầy cô, cùng sinh hoạt, ăn uống, nói chuyện, được biết thêm rất nhiều điều. Từ chuyện học hành, bạn bè, sang kinh tế, chính trị, tôn giáo và cả triết học nữa. Cả tình yêu nữa chứ. Nghe thầy kể về chuyện tình giữa “City boy và country girl” tức là thầy và cô lúc còn trẻ. Dễ thương lắm, giống trong phim hoạt hình fly!

Có một kỷ niệm xấu hổ lúc ở nhà thầy cô như thế này: lúc đến nhà thầy cô trời lạnh hơn ở Kyoto một chút, có lẽ do độ cao. Bạn nghĩ thử xem trời lạnh như thế, còn tấm futon (đệm Nhật) thì vô cùng ấm, thì làm sao bạn có thể đành đoạn rời khỏi nó chứ?

Lúc đó bạn chỉ muốn nằm đó, ngủ từ tối hôm nay tới tối hôm sau thôi. Nhưng tôi và bạn cùng đi cũng lịch sự, dậy sớm ăn sáng với thầy cô rồi trò chuyện. Nhưng chỉ được một tí thôi là cơn buồn ngủ lại kéo đến, phần vì lạnh phần vì mệt, lâu rồi mới đi bộ nhiều như thế. Thế là hai đứa khều nhau “thôi mình đi ngủ”. Đang cùng ngồi chơi ở phòng khách tự dưng hai đứa đi vô phòng. Lúc sau thì tôi nhớ là cô đã mở cửa phòng ra và vừa cười vừa hỏi với vẻ khó hiểu: “hai đứa đang làm cái gì thế?”. Lúc đó sự ngái ngủ đã lấn át cơn xấu hổ nên chúng tôi cũng mạnh dạn nói lên nỗi lòng “con buồn ngủ lắm”. Thế đấy, từ đó chúng tôi có biệt danh là Lazy girl!

Người Nhật cũng nồng hậu lắm chứ không lạnh lùng như tôi nghĩ. Chúng tôi có một bài tập nho nhỏ là thầy dắt chúng tôi tới siêu thị, rồi chúng tôi phải tự quay về một mình, xin lỗi hai mình. Mặc dù đã cẩn thận chụp hình lại những ngã rẽ nhưng vẫn bị lạc. Gọi điện thoại về cho thầy cô, miêu tả chỗ đang đứng nhưng thầy cô cũng không biết đó là đâu. Đành phải lân la hỏi những người gần đó. Có một cô làm trong tiệm tạp hóa đã tận tình chỉ cho chúng tôi đường về (có đem theo địa chỉ nhà thầy mà). Ở tạp hóa đó có cả bản đồ của khu đó nên rất tiện. Tên thầy được viết hẳn hoi lên đúng vị trí nhà. Ở đây tên thay cho số nhà.

Rất nhiều niềm vui, nhưng cũng có những điều không khỏi khiến tôi suy nghĩ. Khả năng tiếng Nhật của tôi còn kém lắm. Cần phải cố gắng nhiều nhiều nhiều hơn nữa. Ngoài việc học ở trường còn phải tìm hiểu thêm về nhiều vấn đề khác như kinh tế, chính trị...

Điều thứ hai là: Nhật Bản quá hiện đại, mọi thứ rất tiện lợi, những tòa nhà cao tầng vững chải, thách thức sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đường phố sạch sẽ cho thấy ý thức người dân rất cao. Khi nhìn thấy những điều này bạn sẽ so sánh với Việt Nam, bạn sẽ khát khao đất nước của mình cũng được như thế, bạn sẽ phải vùng vẫy với suy nghĩ làm thế nào để Việt Nam được như thế. Nhưng rồi bạn sẽ bị mắc nghẹn vì bạn biết...khó lắm. Nó là cảm xúc của tôi đấy. Không cố tình so sánh đâu, bởi tôi biết hoàn cảnh lịch sử hai nước khác nhau, so sánh như thế là quá khập khiễng. Nhưng cho dù không xét về kinh tế đi, xét về ý thức của con người với môi trường, với cộng đồng, tôi thật sự cảm thấy hổ thẹn. Ở những nơi công cộng chẳng ai nói lớn tiếng. Trong siêu thị hay khu mua sắm, trẻ con rất trật tự, đối với thứ chúng thích chúng chỉ nói với mẹ “mẹ, con thích cái này lắm”. Nếu người mẹ không đồng ý chúng cũng chỉ ngoảnh lại nhìn tiếc rẻ thôi chứ không gào ầm lên. Bãi rác ở Nhật cực kì sạch sẽ, hoàn toàn không có mùi. Phân loại rác rất khoa học, việc đơn giản nhưng lại có ý nghĩa to lớn với môi trường. Đây là điều mà tôi mong muốn nước mình thực hiện nhất.

Không đi không thấy thì thôi. Đi rồi thấy rồi sẽ cảm thấy không thể chịu được và muốn thay đổi. Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu khi thấy người ta ngang nhiên quăng rác ra đường, hay nhiều bạn trẻ vứt rác trong xe buýt. Và gần như phát điên khi thấy các bạn sinh viên đứng đầy trước cửa thang máy, khi thang máy mở thì ùa vô mặc cho người đứng trong chưa kịp ra.

Lúc ở nhà thầy, thầy có dùng bản đồ để giải thích cho chúng tôi về vị trí địa lí, lãnh thổ của Nhật Bản. Thầy có đề cập đến các đảo đang bị tranh chấp với nước ngoài nhưng thầy chỉ nói đây là vùng nhạy cảm thôi. Quả đúng là người Nhật, họ sẽ không nói nhiều đâu, nhưng hãy nhìn những điều họ làm, rồi mọi người sẽ phải ngưỡng mộ. Cũng trên tấm bản đồ đó, tôi thấy Việt Nam, tên thủ đô Hà Nội và những thành phố lớn như TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng được ghi rõ ràng. Nhưng đảo Hoàng Sa, Trường Sa lại được phiên âm theo tên gọi của Trung Quốc.

Nếu là bạn, bạn cảm thấy như thế nào? Còn tôi, có một phần nào đó trong tôi cảm thấy bị tổn thương, bị chạm tự ái. Khi mình nhỏ bé và yếu đuối, mình nói chẳng ai nghe mình cả, cho dù mình nói mặt trời mọc đằng đông lặng đằng tây thì cũng chẳng ai tin. Vì thế nếu mình không giàu có, mình phải mạnh mẽ, phải giỏi giang, phải tự cố gắng, tự cứu mình trước khi nhờ người khác.

Trên đây là những suy nghĩ của tôi sau chuyến homestay ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa. Có lẽ đây là kỷ niệm đẹp nhất trong quãng đời sinh viên của tôi. Tôi đã đi, đã thấy và đã suy nghĩ nhiều. Quả đúng, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Mong rằng sẽ có thêm nhiều những chương trình như thế này cho sinh viên Việt Nam, cho các bạn trẻ có cơ hội học hỏi, tìm hiểu thêm về đất nước xinh đẹp, tuy nhỏ bé nhưng đầy nghị lực này.

Nguyễn Như Ý

 

 

Bài mới hơn

THAM DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC NÂNG CAO NĂNG LỰC VIẾT VÀ CÔNG BỐ BÀI BÁO KHOA HỌCGẶP GỠ GIAO LƯU HỮU NGHỊ HƯƠNG TRÀ KẾT NỐI: PHỤ NỮ ASEAN HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN KỶ NIỆM NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10.THAM DỰ BUỔI KÝ KẾT BIÊN BẢN GHI NHỚ GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC UDON THANI RAJABHAT (THÁI LAN)THAM DỰ KHAI MẠC TRIỂN LÃM PHIÊN BẢN TRANH NGHỆ THUẬT CÁC NỮ HỌA SĨTHAM DỰ LỄ CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC KHÁNH SONG THẬP ĐÀI LOAN LẦN THỨ 113THAM DỰ BUỔI HỘI THẢO KẾT NỐI THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ VIỆT NAM – SINGAPORETỔ CHỨC THAM QUAN VÀ HỌC TẬP TẠI TÒA SOẠN BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÒNGDIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM - LÀO- CAMPUCHIA: DOANH NGHIỆP BA NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC CÙNG PHÁT TRIỂNĐẠI DIỆN CHI HỘI NỮ TRÍ THỨC TRƯỜNG THAM GIA HỘI NGHỊ MẠNG LƯỚI CÁC NHÀ KHOA HỌC VÀ KỸ SƯ NỮ KHU VỰC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG 2024: VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNGCHƯƠNG TRÌNH SUMMER SCHOOL 2024 CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC INNSBRUCK, CỘNG HÒA ÁO

Bài viết cùng chuyên mục

NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU VỀ HÁT NGÂM HARI CỦA NGƯỜI RAGLAIÔNG NIIMI TATSUYA: CẦN CHUẨN BỊ CƠ SỞ HẠ TẦNG TỐT CHO QUỐC GIA CỦA CÁC BẠNTS. SOPHIE BOISEAU DU ROCHER: VIỆT NAM CẦN LIÊN KẾT MẠNH MẼ VỚI ASEANTRAO ĐỔI VỀ DỰ ÁN NGHIÊN CỨU VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VỚI GS. SCOTT FREY, ĐẠI HỌC TENNESSEE, MỸGẶP GỠ GIÁO SƯ KENTON CLYMER, TRƯỜNG ĐẠI HỌC BẮC ILLINOIS (NIU), MỸHỘI THẢO VỚI SINH VIÊN KHOA CHÍNH TRỊ TẠI ĐẠI HỌC QUỐC GIA CHONNAM, HÀN QUỐCTHAM DỰ BUỔI TỌA ĐÀM CỦA GIÁO SƯ ROGER AMES, ĐẠI HỌC HAWAIIPGS.TS. HIỆU TRƯỞNG VÕ VĂN SEN GIỚI THIỆU VÀ TẶNG SÁCH NGHIÊN CỨU CỦA TRUNG TÂM CHO CÔNG CHÚA HOÀNG THÂN THÁI LAN MAHA CHAKRI SIRINHORNTHAM DỰ HỘI THẢO TẠI ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ BUSAN, HÀN QUỐCCHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN CỦA TẬP ĐOÀN TEIJIN 2015
  • NIU_P1
  • heip_p2
  • jsps_p3
  • USSH_p4
  • VNU_p5
  •  Koushin_p6
  • josai_p7
  • iseas_p8
  • Innbruck
  • DU HỌC
  • EACEA
  • VEES-NET

GIỚI THIỆU

Giới thiệu ChungLịch sử Hình thànhChức năng & Nhiệm vụKế hoạch Chiến lược Phát triểnCơ cấu Tổ chứcQuy trình nghiệp vụLogo

KHOA HỌC

Hội thảo - Tọa đàmHợp tác Quốc tếChương trình - Dự án Nghiên cứuLý lịch Khoa học

ĐÀO TẠO

Khóa học Tiếng Thái LanKhóa học Tiếng Khmer – LàoKhoá học Tiếng ViệtKhóa học Tiếng Mã Lai – Tiếng Indonesia
Địa chỉ: Phòng A211, Số 10–12 Đinh Tiên Hoàng,
Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: (8428) 39100692 | Fax: (8428) 39110297
Hộp thư: info@cvseas.edu.vn
–––
©2016 Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á
Best allmodz.com mod4ree.com apkmodcity.com ezmodapk.com modhubz.com modlinkz.com modapkcity.com mod2go.com azapkmod.com