HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ NÔNG NGHIỆP HIỆU QUẢ CAO TẠI VIỆT NAM 2022
Thứ ba, 07/06/2022 10:06Vào ngày 29/5/2022, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia (NIC AU) đã tổ chức Hội thảo với chuyên đề “Ứng dụng công nghệ 5.0 để đổi mới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng nhằm nâng cao chất lượng, phân phối, và giá trị nông sản một cách hiệu quả tuần hoàn”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Zoom, đồng thời được phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia với sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước, đại diện các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh tại Việt Nam. TS Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, cũng tham dự buổi hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến (Ảnh: NIC AU)
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa rộng rãi với sự nỗ lực của nhiều quốc gia trong chuyển đổi số dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của các thành phố thông minh lấy công nghệ làm trung tâm. Việt Nam hiện là một trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, theo ông, ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp, dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất ấm lên, chênh lệch kinh tế ngày càng gia tăng… thì việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: NIC AU)
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát biểu về tầm nhìn cũng như nguyện vọng đối với buổi Hội thảo về Nông nghiệp hiệu quả cao 2022 nói riêng và ngành Nông nghiệp Việt Nam trên thương trường quốc tế nói chung. Ông chia sẻ, để mang đến những tác động tích cực cho cộng đồng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã kết nối hàng trăm đại diện, các hợp tác xã, các doanh nghiệp để tham dự, lắng nghe và cùng chia sẻ ý kiến với các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế về những sáng kiến đổi mới sáng tạo.
Trong phần tham luận của GS. TS. Nguyễn Duy Luận - CEO kiêm Chủ tịch của UZip Inc, giáo sư thành viên tại Trường Kinh Doanh McCombs thuộc Đại học Texas tại Austin, Đại Học Huston-Tillotson (Mỹ), ông đã đưa ra một số đánh giá về bức tranh toàn cảnh của nền nông nghiệp trên thế giới. Theo GS Luận, đầu tư vào nông nghiệp 4.0 (AGTECH) đang thay đổi dần chuỗi giá trị ngành nông nghiệp dựa theo khái niệm “Cách mạng Công nghệ 5.0”. Công nghệ chuỗi-khối (blockchain), internet vạn vật (IoT) và trí thông minh nhân tạo (AI) là những lĩnh vực được nghiên cứu sâu rộng trên thế giới mà Việt Nam cần liên kết để áp dụng phù hợp vào nền nông nghiệp nước nhà. Việc áp dụng công nghệ 5.0 sẽ giúp mang đến mô hình kinh doanh bình đẳng cho nền nông nghiệp Việt Nam và chuỗi nông nghiệp thế giới, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng nhu cầu thực phẩm toàn cầu, góp phần giải quyết vấn nạn thiếu lương thực trên thế giới.
Với chuyên đề chính của hội thảo mang tên “Ứng dụng công nghệ 5.0 để đổi mới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng nhằm nâng cao chất lượng, phân phối, và giá trị nông sản một cách hiệu quả tuần hoàn", bà Nguyễn Thị Thành Thực - Uỷ viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã nêu lên vai trò trọng yếu của “Dịch vụ hậu cần” trong chuỗi giá trị Nông sản. Theo bà, dịch vụ hậu cần chính là cầu nối không thể thiếu giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, tuy nhiên, chuỗi giá trị nông sản truyền thống có rất nhiều khâu trung gian, chi phí logistic chiếm tỉ lệ khá cao. Do đó, bà đề xuất xây dựng quy trình “Logistic từ ruộng tới bàn ăn” cho từng loại nông sản, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng. Bà cũng nhấn mạnh nhu cầu cải thiện và sửa đổi các chính sách, quy trình thủ tục và nâng cao năng lực chuyển đổi số, tự động hóa trong các nút giao nhận của chuỗi nông sản; đồng thời sớm đồng bộ hóa thủ tục liên thông toàn cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và công bằng giữa thành viên các tổ chức thương mại quốc tế.
Hội thảo đã đem lại cơ hội cho các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận các ý tưởng, đề xuất mới, đặc biệt là đưa ra các giải pháp, khuyến nghị và cách thức để biến những ý tưởng thành những kế hoạch cụ thể nhằm góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả hơn nữa.