HỘI THẢO NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH - TỪ NÔNG TRẠI ĐẾN BÀN ĂN NĂM 2023
Thứ hai, 09/01/2023 09:01Vào ngày 6/1/2023, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia (NIC AU) đã phối hợp cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội sinh viên Việt Nam tại Úc tổ chức “Hội thảo và triển lãm Nông nghiệp thông minh - Từ nông trại đến bàn ăn năm 2023” được tổ chức tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.
Hội thảo cũng đồng thời diễn ra theo hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom và được phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia với sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước của Việt Nam như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao), Đại sứ quán Việt nam tại Australia, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). TS Trần Đình Lâm, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, cũng tham dự buổi hội thảo.
Ông Nguyễn Phúc Bình - Chủ tịch Điều hành Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Phúc Bình - Chủ tịch Điều hành Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia đã nêu lên tầm quan trọng của nông nghiệp Việt Nam trong việc phát triển kinh tế trong năm qua, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, thiên tai dịch bệnh, và biến đổi khí hậu. Do đó, để có thể duy trì và nâng cao vị trí nông sản Việt trên trường quốc tế cần có giải pháp đồng bộ, trong đó việc chuyển đổi nông nghiệp thông minh là giải pháp vô cùng quan trọng.
Tại hội thảo, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi nông nghiệp thông minh là thời cơ và thách thức. Do đó, ông cho rằng cần làm rõ thời cơ và thách thức của nông nghiệp thông minh. Bởi bên cạnh thời cơ còn những thách thức cần vượt qua, đôi khi điều này khiến con đường đạt mục tiêu trở nên khó khăn. Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp Hoa Kỳ có diện tích sản xuất rất lớn đã hình thành chuỗi, còn nông nghiệp Việt Nam thì diện tích sản xuất manh mún. Một khía cạnh khác theo ông là 2% người làm nông nghiệp của Hoa Kỳ bao gồm nhiều nhà khoa học, tiến sĩ, kỹ sư doanh nhân tham gia, còn nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là người nông dân thực hiện. Từ thực trạng đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở, các nhà khoa học trẻ cần nhìn thấy sự so sánh này để đặt ra câu hỏi và tìm hướng nghiên cứu. Ông cũng cho biết Bộ đang thực hiện nhiều chương trình tri thức hóa nông dân để họ có thể dễ dàng đón nhận những khoa học mới, tri thức mới khi đưa từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Qua 3 phiên tham luận tại hội thảo, các đại biểu tham gia đã thảo luận về các công đoạn của Chuỗi nông nghiệp thông minh. Trong đó, công đoạn đầu tiên là chọn và cải tiến giống phù hợp với nhu cầu của thị trường; phân loại, chế biến và bảo quản nông sản. Thứ hai là đóng gói, nhãn mác và chứng nhận tiêu chuẩn và cuối cùng là tài chính, huy động vốn với các đơn vị ngân hàng, bảo hiểm nông nghiệp; logistics và phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng. Với phiên thảo luận bàn tròn, hội thảo đã đưa ra những giải pháp thực tiễn cho Chuỗi nông nghiệp thông minh toàn diện, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Các đại biểu tham gia thảo luận. Ảnh: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài