HỘI THẢO KHOA HỌC: NGHIÊN CỨU VỀ CÁC MÔ HÌNH KHÔNG RÀO CẢN ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TẠI NHẬT BẢN, ĐÀI LOAN, THÁI LAN VÀ VIỆT NAM
Thứ ba, 05/07/2022 16:07Vào ngày 2/7/2022, Hội thảo khoa học: “Barrier free research from Japan, Taiwan, Thailand, and Vietnam” (Tạm dịch: Nghiên cứu về các mô hình không rào cản đối với người khuyết tật tại Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam) đã được diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của TS. Toshiyuki Uwano. Đây là chặng cuối cùng của dự án "Cross-cultural communication for the inclusive society by the leaders of Person with Disability in Asia” (Tạm dịch: Đối thoại đa văn hóa vì một xã hội không loại trừ bởi lãnh đạo Người Khuyết tật tại châu Á) của TS. Toshiyuki Uwano do Quỹ Toyota tài trợ. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là các nhà nghiên cứu, các giảng viên và chuyên viên công tác xã hội từ các trường đại học, trung tâm phúc lợi và an sinh xã hội, trung tâm công tác xã hội của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á. TS. Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, cũng tham dự buổi hội thảo.
Hội thảo đã đưa ra nhiều cách tiếp cận mới đối với quyền của người khuyết tật ở bốn quốc gia châu Á: Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, buổi hội thảo cũng góp phần nêu lên cái nhìn của người khuyết tật về các rào cản thể chất, trình độ và văn hóa mà họ đang phải đối mặt.
Trình bày tại hội thảo, đại diện phía Việt Nam cho biết Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm gần 7% dân số. Người khuyết tật Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận các dịch vụ xã hội thể hiện qua những rào cản về môi trường vận động, những rào cản do pháp luật hoặc chính sách và cả từ thái độ hoặc sự phân biệt đối xử của xã hội. Họ được đánh giá là nhóm dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội.
Đại diện Việt Nam trình bày về thực trạng của người khuyết tật ở Việt Nam
Báo cáo cũng cho rằng, phần lớn người khuyết tật ở Việt Nam hiện chưa được tạo điều kiện để khắc phục những khó khăn liên quan đến chức năng cơ thể. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật dẫn đến tình trạng khuyết tật trở nên nặng nề hơn. Vì thế, để người khuyết tật tự tin hòa nhập, chính sách không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc phục hồi chức năng mà phải tiến tới xóa bỏ các rào cản đối với người khuyết tật để người khuyết tật được tham gia một cách bình đẳng vào hoạt động của xã hội.
Cuối buổi hội thảo, TS. Toshiyuki Uwano chia sẻ rằng sự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia cũng sẽ góp phần xây dựng một môi trường thân thiện hơn cho người khuyết tật. Theo ông, việc các quốc gia hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức cũng như cung cấp thông tin về các hoạt động liên quan đến người khuyết tật sẽ giúp các nước có thêm kinh nghiệm, khả năng đảm bảo quyền, lợi ích của người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động xã hội
Phần trình bày của TS. Toshiyuki Uwano
Buổi hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia, những nhà nghiên cứu và các chuyên viên công tác xã hội thảo luận và đưa ra những định hướng trong tương lai, nhằm tạo ra một môi trường thân thiện dành cho người khuyết tật.