NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC: THỰC TRẠNG VÀ TÁC ĐỘNG CỦA TÍN DỤNG ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN TẠI CÁC TỈNH PHÍA NAM
Thứ sáu, 04/09/2020 11:09Hiện nay, tín dụng đen hay tín dụng phi chính thức đã trở thành một vấn nạn xã hội vô cùng nhức nhối và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về an sinh, an toàn trật tự xã hội. Tín dụng đen không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn tác động đến hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam Thực trạng trên đòi hỏi phải có những đề tài nghiên cứu khoa học cấp thiết và thực tiễn để nhận diện nguyên nhân và giải quyết dứt điểm vấn đề nêu trên.
Chiều ngày 27/08 tại phòng A001, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài khoa học“Thực trạng và tác động của tín dụng đối với công nhân tại các tỉnh phía Nam” của nhóm tác giả: TS. Trần Đình Lâm – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á – Chủ nhiệm, Th.S Phạm Thanh Thôi – Phó Giám đốc - Thành viên. Đề tài được thực hiện dưới sự tài trợ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Hội đồng triển khai công tác nghiệm thu và đánh giá đề tài
Về phía Hội đồng nghiệm thu có sự hiện diện của TS. Phạm Thanh Duy – Trưởng phòng HC - TH Trường ĐH KHXH&NV; PGS. TS. Hạ Thị Thiều Dao - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM – Ủy viên; TS. Hồ Ngọc Phương - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Ủy viên; PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng Khoa Lý luận Chính trị - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Đình Thắng – Nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank.
Tại buổi nghiệm thu, nhóm nghiên cứu đã trình bày vắn tắt những kết quả của đề tài nghiên cứu trước toàn thể Hội đồng. Tín dụng đen đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của công nhân và đã được hệ thống truyền thông phản ánh rất nhiều nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết cụ thể. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng và ngân hàng Việt Nam gặp khó khăn trong việc cho vay tiêu dùng vì thiếu hệ thống thông tin nhân thân và khả năng thanh toán của người dân. Sự bất cập trên đã dẫn đến việc đối tượng công nhân khó tiếp cận các nguồn tín dụng hợp pháp và dễ sử dụng các nguồn tín dụng đen.
TS. Phạm Thanh Duy – Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu chủ trì buổi họp
Để giải quyết thực trạng trên cần có sự áp dụng đồng bộ các văn bản pháp luật nhà nước, sự thay đổi cơ chế, lãi suất cho vay tín dụng của các ngân hàng để giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng hợp pháp. Các định chế tài chính cần chuyển sang hình thức ngân hàng số để tiếp cận với nhiều đối tượng và đáp ứng tất cả các nhu cầu tài chính của người dân. Chỉ khi người dân dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính hợp pháp với mức lãi suất ưu đãi, tệ nạn tín dụng đen mới thực sự được giải quyết tại Việt Nam.
Các thành viên của hội đồng tham gia thảo luận, đánh giá đề tài
Về phương pháp nghiên cứu, Hội đồng đánh giá đề tài đã lựa chọn đúng đối tượng nghiên cứu, áp dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với cơ sở lý luận sát với thực tiễn. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng đã nêu nhiều ý kiến bổ sung như: nghiên cứu cần bao quát toàn bộ những tác động của tín dụng đen với đời sống công nhân, bổ sung các biểu đồ minh họa, tăng cường trích dẫn từ các nguồn tài liệu nghiên cứu khoa học uy tín trong ngành tài chính.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Nguyên Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank phát biểu tại buổi họp
Kết thúc buổi nghiệm thu, Hội đồng đánh giá đề tài mang tính thực tiễn *cao, đáp ứng các yêu cầu về phương pháp, lý luận nghiên cứu khoa học cũng như các yêu cầu của đơn vị tài trợ về nghiên cứu vấn đề tín dụng đen. Về khía cạnh học thuật, đề tài là nguồn tài liệu khảo cứu chất lượng dành cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trong lĩnh vực Khoa học xã hội, Kinh tế và Tài chính Ngân hàng. Trong kết luận cuối cùng, Hội đồng mong muốn đề tài sẽ tiếp tục được mở rộng đến nhiều đối tượng, địa bàn khác và tập trung nghiên cứu các giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính của các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Hội đồng nghiệm thu chụp hình lưu niệm