THAM DỰ CHƯƠNG TRÌNH THAM QUAN VÀ ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM DU LỊCH NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO CÓ ỨNG DỤNG CÁC GIẢI PHÁP TUẦN HOÀN TẠI HUYỆN PHÚ GIÁO, TỈNH BÌNH DƯƠNG
Thứ ba, 11/06/2024 15:06Sáng ngày 7.6.2024, Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong phối hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) tổ chức chương trình tham quan và đánh giá mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao có ứng dụng các giải pháp tuần hoàn tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Tham dự buổi tham quan, về phía địa phương có sự hiện diện của Đại diện các Sở, Ban ngành, Chi cục trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Đại diện Ban giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm).
Về phía Nhà trường, có sự tham dự của PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cũng có mặt tham dự sự kiện.
Chương trình hội tụ đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch - Ảnh: Thanh Bình
Chương trình tham quan lấy chủ đề Trường học Nông trại gắn với du lịch nhằm giúp cho các khách mời tìm hiểu về hoạt động nông nghiệp công nghệ cao. Các hoạt động đánh giá được tổ chức dưới hình thức tham quan du lịch, có kết hợp với các điểm đến trên địa bàn huyện Phú Giáo nhằm cung cấp các trải nghiệm đáng nhớ, thú vị cho khách mời.
Buổi tham quan nhằm thu thập ý kiến từ các chuyên gia và nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch về mô hình thí điểm và một số sản phẩm du lịch tại huyện Phú Giáo. Qua thảo luận và khảo sát, nhiều ý kiến nhận xét và đóng góp đã được nêu ra. Bên cạnh những thành công và phát triển của nông trại, các chuyên gia cũng đã chỉ ra những thách thức mà Unifarm đang phải đối mặt.
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ song phương giữa nông trại và trường học, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Cô đề xuất Unifarm trở thành đơn vị tiên phong xây dựng phòng bảo tàng chuối đầu tiên ở Đông Nam Á, kết hợp công nghệ 3D và thực tế ảo, tổ chức các workshop nhằm tăng cường tính giáo dục, quảng bá cho mô hình này.
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á : “Với lịch sử hình thành mô hình vô cùng tự hào, cần phải tận dụng và phát huy để gìn giữ và quảng bá những giá trị tốt đẹp được lan rộng” - Ảnh: Mỹ Hân
Mô hình “Du lịch nông nghiệp công nghệ cao có ứng dụng các giải pháp tuần hoàn tại Unifarm, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương” là một sản phẩm thuộc nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh” do PGS.TS Ngô Thị Phương Lan làm chủ nhiệm.
Thông tin về Chương trình và Mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng giải pháp tuần hoàn, vui lòng xem chi tiết tại: https://www.hcmussh.edu.vn/tin-tuc/hanh-trinh-xanh-tren-mien-dat-do