HỘI NGHỊ BÀN TRÒN VỀ KHOẢNG CÁCH SỐ Ở ĐÔNG NAM Á
Thứ ba, 08/09/2020 08:09Ngày 26 tháng 8 vừa qua Tiến sĩ Trần Đình Lâm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM đã tham dự Hội nghị bàn tròn do ông Ernesto Braam - Cố vấn Chiến lược Khu vực của Đại sứ quán Hà Lan tại Singapore tổ chức, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong mảng công nghệ thông tin và kinh tế số.
Lấy chủ đề “Khoảng cách số ở khu vực Đông Nam Á và góc nhìn của Hà Lan,” Hội nghị tập trung thảo luận những câu hỏi như khoảng cách số ở các nước Đông Nam Á và Hà Lan đang diễn biến như thế nào? khoảng cách số đem lại những nguy cơ gì? làm sao để thu hẹp khoảng cách đó? và chính phủ các nước cần làm gì để thu hẹp khoảng cách?
Buổi thảo luận được điều phối bởi ông Ernesto Braam*- Cố vấn Chiến lược Khu vực cho Đại sứ quán Hà Lan tại Singapore. Dàn diễn giả của hội nghị là các chuyên gia đến từ những tổ chức chuyên về công nghệ thông tin và kinh tế số. Các diễn giả bao gồm ông Thomas Abell - đại diện phía Ngân hàng Phát triển châu Á; bà Dr. Kasititorn Pooparadai đến từ Văn phòng Xúc tiến Kinh tế số, Thái Lan; ông Agustiadi Lee - đến từ Block 71 chi nhánh Indonesia; cô Ingrid Zondervan - đại diện Bộ Nội vụ Vương quốc Hà Lan và cô Jenny Wong - đại diện Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm.
Xuyên suốt hội nghị, các diễn giả đã đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về vấn đề khoảng cách số, tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng việc thu hẹp khoảng cách là rất cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế số và để thành công thì chính phủ cần phải cải thiện chính sách và đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh tế số.
Các diễn giả tham gia thảo luận trong Hội nghị
Theo chia sẻ từ đại diện phía Hà Lan, mặc dù công nghệ thông tin và dịch vụ Internet của quốc gia họ khá phát triển nhưng có tới 2.5 triệu người thiếu kiến thức về công nghệ thông tin và 1.2 triệu người chưa từng tiếp xúc với Internet; thêm vào đó việc số hóa các việc làm, thủ tục vẫn còn diễn ra chậm. Chính vì thế, chính phủ Hà Lan đang tăng cường phổ cập kiến thức về công nghệ thông tin đến cho người dân, tạo điều kiện để người dân dễ tiếp cận Internet và phối hợp với các startup về công nghệ nhằm giúp người dân Hà Lan dễ tiếp cận với Internet hơn.
Ở khía cạnh khác, diễn giả Thomas Abell đã chỉ ra những tiềm năng khi các nước thu hẹp được khoảng cách số. Không những thế, ông Abell còn nói về những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và giải trí của đại chúng giữa đại dịch COVID-19; theo ông, những thay đổi này đang đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế số.
Đại diện từ các nước Thái Lan, Indonesia và Singapore cũng lần lượt chia sẻ hiện trạng khoảng cách số ở nước họ. Theo đó, những nguyên nhân chung gây ra khoảng cách số ở các nước Đông Nam Á là hạn chế về cơ sở vật chất trong quá trình phủ sóng Internet đến những vùng xa và việc người dân ở những nơi đó không có nhu cầu hoặc không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ Internet.
Cũng như các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề khoảng cách số; tuy nhiên trong 5 năm gần đây, Internet và công nghệ thông tin của Việt Nam có những thay đổi tích cực. Theo số liệu từ nghiên cứu của Google, Temasek, Bain thì đến năm 2019, Việt Nam đứng thứ 2 (chỉ sau Indonesia) về mức độ phát triển nền kinh tế số, với khoảng 61 triệu người dùng Internet.
Chính phủ Việt Nam ý thức được tiềm năng và sức mạnh của Internet nên ngày càng có nhiều chính sách giúp người dân dễ tiếp cận với Internet và nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin của công chức và viên chức.
Không dừng ở đó, công nghệ thông tin cũng dẫn được áp dụng vào các khâu quản lý và giám sát, các thủ tục hành chính như nộp tiền phạt lỗi vi phạm hành chính, đóng thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, đăng ký giấy khai sinh,v.v.. Chính phủ khuyến khích 63 tỉnh thành ở Việt Nam nhanh chóng thực hiện số hóa là để tiết kiệm kinh phí, thời gian làm việc đồng thời hạn chế nhũng nhiễu từ viên chức, công chức.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì Chính phủ cũng đã vận dụng tối đa khả năng lan truyền của Internet để cập nhật và đưa những thông tin mới nhất đến với quần chúng. Một điểm sáng trong việc sử dụng công nghệ thông tin để phòng dịch là ứng dụng Bluezone; thông qua chức năng Bluetooth của điện thoại, ứng dụng này ghi nhận những nơi đã đi qua và những lần tiếp xúc với người dùng Bluezone khác, từ đó cảnh báo người dùng có nguy cơ bị nhiễm COVID-19.
Nếu tiếp tục phát huy tuyên truyền, giáo dục và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công nghệ thông tin, Internet đồng thời ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào các lĩnh vực thiết yếu giúp cải thiện đời sống người dân thì khả năng cao là Việt Nam sẽ sớm thu hẹp được khoảng cách số.
Ông Ernesto Braam và ông Simon van der Burg - Tổng lãnh sự Hà Lan tại Việt Nam tại buổi nói chuyện với sinh viên ĐHKHXH&NV chủ đề “Cạnh tranh địa chính trị giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á,” 2016