GIỚI THIỆU DỰ ÁN TOURIST TẠI QUẢNG NAM VÀ QUẢNG NGÃI
Thứ ba, 11/08/2020 10:08Từ ngày 23 đến 25/07/2020, trong khuôn khổ kết nối các hoạt động của dự án TOURIST, Đoàn nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (CVSEAS) gồm có: TS. Trần Đình Lâm, ThS. Phạm Thanh Thôi, ThS. Nguyễn Hồng Trúc đã đi thực địa khảo sát 03 mô hình du lịch học tập cộng đồng tại các tỉnh miền Trung, bao gồm: Nhóm sản xuất Nông nghiệp Hữu Cơ Đồng Giá (Cẩm Thanh), Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Làng Du lịch Gò Cỏ Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
Điểm đến đầu tiên của Đoàn Nghiên cứu là xã Cẩm Thanh – Thành phố Hội An, một điểm sáng du lịch học tập cộng đồng với các mô hình các vườn rau hữu cơ, rừng dừa sinh thái và các khu bảo tồn thiên nhiên. Được sự giới thiệu của TS. Chu Mạnh Trinh – Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Hợp tác Quốc tế, Ban Quản lý Khu bảo tồn Cù Lao Chàm – đoàn nghiên cứu đã có buổi trao đổi và phỏng vấn Nhóm Sản xuất Nông nghiệp Hữu Cơ Đồng Giá tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An. Ông Lê Nhương – Nhóm trưởng – đã giới thiệu chi tiết những cơ sở hình thành vườn rau hữu cơ, quá trình kết nối các hộ nông dân và phương thức vận hành của nhóm sản xuất.
Ông Lê Nhương (thứ nhất từ phải sang) – Nhóm trưởng, cùng Đoàn nghiên cứu CVSEAS thảo luận với các bác nông dân về các mô hình du lịch học tập cộng đồng
Sau khi khảo sát thực tế các khu chức năng và vườn rau, Đoàn nghiên cứu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những khó khăn trong việc tổ chức học tập du lịch học tập cộng đồng, phân công trách nhiệm quản lý và quy mô đầu ra của sản phẩm. Với kinh nghiệm là người nông dân trực tiếp sản xuất, người dân nơi đây đã cung cấp nhiều thông tin thiết thực, kinh nghiệm hữu ích liên quan trong quá trình triển khai, vận hành vườn rau, cũng như chia sẻ những giải pháp nhằm lan tỏa hiệu ứng tích cực mô hình sản xuất hữu cơ đến các hộ dân lân cận. Tại xã Cẩm Thanh, TS. Chu Mạnh Trinh cũng đã hướng dẫn Đoàn tìm hiểu về phát triển du lịch cộng đồng tại Rừng dừa sinh thái Bảy Mẫu.
CVSEAS giới thiệu dự án TOURIST với Nhóm Sản xuất rau Hữu cơ Đồng giá Cẩm Thanh (Hội An)
Tại điểm đến thứ hai - Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Đoàn nghiên cứu đã được TS. Chu Mạnh Trinh giới thiệu quá trình xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch học tập cộng đồng tại Cù Lao Chàm. Đoàn cũng đã tìm hiểu thực tế mô hình homestay và các sản phẩm dịch vụ của cư dân địa phương. Quá trình đi thực tế đã phản ảnh rõ triết lý đứng sau sự thành công của Khu du lịch Cù Lao Chàm, đó là mô hình cộng tác bốn nhà: người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước. TS. Chu Mạnh Trinh cho biết thêm, hệ sinh thái rừng - biển, đất liền - đại dương có một mối liên hệ mật thiết với nhau và có giá trị quyết định sự sống còn của ngành du lịch. Hệ sinh thái tự nhiên đã trải qua hàng nghìn năm để hình thành, do đó giá trị của hệ sinh thái vô giá, không thể phục hồi sau khi bị tàn phá. Các nước phát triển đã đánh đổi hệ sinh thái lấy sự thành công phát triển công nghiệp, và họ đang trả giá đắt cho điều đó. Do vậy, ngành du lịch ở nước ta nên tránh lập lại những sai lầm đó, không nên hy sinh hệ sinh thái để đổi lấy phát triển kinh tế mà nên tư duy theo hướng ngược lại: tăng cường công tác bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển. Thực tế đã chứng minh giá trị của công tác bảo tồn đối với phát triển du lịch và sinh kế của người dân địa phương. Có thể nói, khi chúng ta càng đẩy mạnh việc bảo tồn, thì chúng ta sẽ càng có nhiều nguồn lợi để phát triển du lịch và nâng cao mức sống người dân.
TS. Chu Mạnh Trinh (thứ nhất từ phải sang) cùng CVSEAS giới thiệu dự án TOURIST và kết nối với HTX du lịch Gò Cỏ
Ngày 25/07/2020, Đoàn nghiên cứu đã đến tìm hiểu Làng du lịch Gò Cỏ - một điểm đến nổi bật về phát triển du lịch học tập cộng đồng tại Sa Huỳnh – Quảng Ngãi. Phát huy thế mạnh của không gian văn hóa cổ và Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ đã xây dựng một khu du lịch sinh thái độc đáo trực tiếp do người dân địa phương khai thác và quản lý. Trao đổi với Đoàn nghiên cứu, cô Nguyễn Thị Diễm Kiều – Chủ tịch Hợp tác xã du lịch Gò Cỏ – đã mô tả quá trình hình thành của Làng Du lịch và những thế mạnh về hóa thạch văn hóa, di chỉ khảo cổ. Bãi biển trong xanh, không gian đậm chất lịch sử, hoạt động cộng đồng độc đáo cùng với thức ăn đặc sản làng chài là những thế mạnh của Gò Cỏ, đã thu hút nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan thời gian qua.
Cô Nguyễn Thị Diễm Kiều (thứ hai từ phải sang) - Giám đốc HTX, giới thiệu homestay của người dân địa phương
Tham gia buổi trao đổi, các ngư dân, đồng thời cũng là các chủ hộ homestay (hộ kinh doanh lưu trú), đã thân tình chia sẻ những mong ước và niềm vui khi trực tiếp tổ chức và cung cấp các dịch vụ du lịch. Tại Gò Cỏ, mô hình bốn nhà một lần nữa phát huy giá trị kết nối và khơi gợi tinh thần sáng tạo của cư dân. Ở góc độ một cổ đông đầu tư, nhóm bạn trẻ SUNGCO (Công ty Đoàn Ánh Dương) đã khéo léo đóng vai trò là người hỗ trợ và quảng bá các sản phẩm du lịch của Hợp tác xã. Bên cạnh không gian thiên nhiên tươi đẹp, có thể nói sự nhiệt tình và hồn hậu của người dân địa phương và nét duyên dáng của điệu hát bài chòi đã làm nên sự thành công của mô hình du lịch này. Tại buổi gặp mặt, các Cô ngư dân đã giúp Đoàn nghiên cứu hiểu rõ hơn về những giá trị lan tỏa của mô hình du lịch cộng đồng và sự thay đổi của con người nơi đây. “Con cháu Gò Cỏ sẽ trở về khi biết làng đủ sống bằng du lịch” – cô Vân bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng và niềm vui sum họp gia đình khi thương hiệu du lịch học tập cộng đồng của HTX Gò Cỏ bay xa.
Một góc bãi biển làng du lịch Gò Cỏ - không gian văn hóa Sa Huỳnh
Kết thúc chuyến thăm và làm việc đoàn có buổi trò chuyện với ông Đoàn Sung, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ. Là một doanh nhân luôn luôn trăn trở tìm kiếm những phương thức để bảo tồn và phát triển giá trị nhân văn, ông Đoàn Sung mong muốn lan tỏa các mô hình du lịch cộng đồng đến cư dân địa phương, giúp cho họ có nguồn thu để giữ môi trường sinh thái, đem lại hạnh phúc thật sự cho những người dân đôn hậu, chân chất, thiết tha gìn giữ cảnh quan nơi quê nhà Quảng Ngãi./.